(VnMedia)- Nằm ngay bên Quốc lộ 1A, vịnh Xuân Đài như một nàng tiên còn vùi trong giấc ngủ dài. Vịnh rộng trên 13.000ha trải dài trên thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km; bờ vịnh dài đến 50km. Có những chỗ nước sâu đến 18m.
Xung quanh vịnh Xuân Đài có nhiều nơi để du khách dừng chân. Gành Đèn, một phần của dải núi Cây Me bao quanh vịnh, là những khối đá chất chồng lên nhau tạo thành một vị trí hiểm trở. Trên đỉnh có ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền vào ban đêm nên người dân địa phương gọi là Gành Đèn.
Bãi biển Bình Sa là một bãi biển đẹp, rừng phi lao che phủ tạo điệu nhạc lòng biển cả làm hút hồn bao du khách. Nhiều ngọn núi nhô ra biển, chia mặt nước vịnh Xuân Đài thành nhiều vịnh nhỏ.
Dưới chân núi giáp biển hình thành những bãi tắm, bãi đá. Dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng… Các bãi biển này có diện tích không lớn nhưng đủ để khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, biển cả. Gần đó là những làng mạc, thị tứ nhỏ. .
Gành Đèn. |
Vịnh Xuân Đài là một vịnh biển kín mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, khô nóng với nền nhiệt độ nóng quanh năm rất phù hợp với du lịch biển, tắm biển. Vịnh Xuân Đài được bao bọc ba mặt bằng những dải núi vươn dài ra biển, hình thành những vịnh, vũng, đầm, đảo, bán đảo… xung quanh có rặng dừa, xóm làng. Các bãi biển ở đây là sự kết hợp giữa núi và biển, bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển trong xanh và lặng sóng. Hầu hết các bãi tắm đều còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, mới lạ như bãi Vịnh Hòa – Bãi Nồm, Từ Nham, Long Hải, Nhất Tự Sơn, bãi Ôm, bãi Rạng…
Bên cạnh đó, Vịnh Xuân Đài cũng nằm trong khu vực có tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo với các di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ như di tích Hành Cung Long Bình, di tích lịch sử Vũng Lắm, chùa Triều Tôn, chùa Phật Học, chùa Từ Quang, nhà thờ Mằng Lăng; Các làng nghề như nước mắm Gành Đỏ, gốm Quảng Đức, bánh tráng Hòa Đa; Lễ hội truyền thống sông nước Tam Giang, lễ hội Cầu Ngư, đua ngựa Gò Thì Thùng… cùng với đặc sản ẩm thực, âm nhạc, dân ca, dân vũ.
Trên cơ sở đó, đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030 đã được xây dựng.
Đề án xác định mục tiêu phát triển Vịnh Xuân Đài trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ và là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, có mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác như Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các dịch vụ gia tăng, tăng cường mở rộng thị trường khách du lịch.
Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài bao gồm 4 không gian: Không gian sinh thái bán đảo Xuân Thịnh; Không gian du lịch dịch vụ thị xã Sông Cầu; Không gian du lịch tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa; Không gian di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa.
Ý kiến bạn đọc