Đến xứ dừa Bến Tre xem sân chim

06:14, 17/05/2016
|

(VnMedia)- Bến Tre vào mùa nào cũng đẹp, nhưng nếu đi vào những tháng hè (tháng 6, 7, 8), bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc. Bạn có thể đến Vườn chim Vàm Hồ, hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long.

Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, được biết đến là quê hương của Cách Mạng Đồng Khởi và cũng là mảnh đất của xứ Dừa. Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mekong tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền Giang và Long An. Bến Tre có nhiều sông rạch, có diện tích vườn dừa lớn nhất Việt Nam và nhiều vườn cây ăn trái trải đều khắp các huyện, thị trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành.

Bến Tre có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch vì còn giữ được nét hoang sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành của màu xanh ở vườn dừa và vườn cây ăn trái rộng lớn. Thích hợp với dã ngoại du khảo. Không những thế, Bến Tre còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và điểm du lịch tham quan.

Đến Bến Tre vào thời điểm nào?

Bến Tre vào mùa nào cũng đẹp, nhưng nếu đi vào những tháng hè (tháng 6, 7, 8), bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc cũng như thưởng thức hàng chục loại trái cây nổi tiếng như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm…

Bạn muốn tham gia lễ hội ở Bến Tre, hãy đi vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch để cùng người dân nơi đây đón lễ hội nghinh Ông và hội đình Phú Lễ.

Từ Sài Gòn đi Bến Tre có 3 hướng, một là từ vòng xoay Phú Lâm, hai là đại lộ Nguyễn Văn Linh và ba là cao tốc Trung Lương (mất khoảng 1 giờ). Nếu bạn di chuyển bằng xe máy thì việc di chuyển linh hoạt giữa các nơi sẽ dễ dàng hơn, đồng thời số tiền bỏ ra cho phương tiện này cũng không cao.

Nếu muốn di chuyển bằng xe du lịch để giữ sức khỏe cho việc vui chơi tại Bến Tre thì cũng có rất nhiều hãng xe cho bạn an tâm lựa chọn như Mai Linh, Thảo Châu, Thịnh Phát…

Và khi đã đến Bến Tre, bạn có thể đi tham quan một số điểm nổi tiếng chúng tôi gợi ý dưới đây:

Sân chim Vàm Hồ

Sân chim nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre theo đường tỉnh 885, đến thị trấn Ba Tri rồi rẽ về ngã Tân Xuân là đến Vàm hồ, đoạn đường dài khoảng 52 km. Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Người ta biết đến vùng đất này từ hơn 100 năm nay với tên gọi là cù lao Lá. Lúc đầu, nơi đây là một con rạch nhỏ, đổ ra sông Ba Lai, dần dần do phù sa bồi đắp mà nên. Với độ cao trung bình khoảng 1,2 m so với mặt nước biển, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các loài thực vật phát triển tạo thành một dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục ha xuôi theo dòng Ba Lai. Đó chính là nơi trú ngụ của hơn nửa triệu con chim các loại.

Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám…; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo….; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn….

Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu, sau khi bị mù hai mắt, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh ở Bình Vi, Gia Định. Khi quân Pháp chiếm thành Gia Định, ông chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc, Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Giuộc về Ba Tri (1862). Tại đây, ông tiếp tục mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn chống Pháp cho đến cuối đời. Những tác phẩm có giá trị nhất của ông đều được viết từ nơi đây.

Hiện nay, khu mộ được mở rộng thành khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, có quy mô lớn hơn, gồm đền thờ, nhà lưu niệm tại xã An Đức, huyện Ba Tri, cách trung tâm thị trấn 2km về phía nam, nhằm tỏ lòng kính yêu một nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc ở nửa sau thế kỷ XIX, vừa để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước đối với các thế hệ hôm nay.

Cồn Phụng

Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12 km (đường bộ) và 25 km (đường sông).Cồn Phụng có diện tích 50 ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái.

Đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ những chế phẩm của cây dừa.

Làng hoa cảnh chợ Lách


Về làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách, bạn như bị “mê hoặc” bởi không gian của một vùng quê trù phú, hoa trái bạt ngàn. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch lý tưởng mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…

Lúc đầu các loại kiểng thú được làm chủ yếu là những con vật quen thuộc như: hươu, nai và các con vật trong 12 con giáp. Hiện nay, Chợ Lách đã có sự đột phá mới cả về quy mô lẫn chất lượng và đa dạng về mẫu mã. Do si dễ uốn có sức sống mãnh liệt nên các nghệ nhân có thể làm được hình dáng những con thú rất lớn theo yêu cầu của khách hàng như: hươu, nai, khủng long, cá hóa long: cao 3-4m, rồng dài 30-40m. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn uốn thành các loại kiểng hình như: nhà lục giác, nhà bát giác; hồ lô, bình bông, ấm trà, hình tháp Eiffel… Điều đặc biệt là các loại kiểng thú, kiểng hình làm từ cây si để được lâu năm và càng lâu năm càng đẹp.

Hội Tôn cổ tự

Hội Tôn cổ tự hiện nay tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 1ha, tại ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Chùa được thành lập năm 1740.

Đến với Hội Tôn cổ tự, du khách còn bắt gặp những miếu thờ Thủy thần, Sơn thần, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu… vốn là những vị thần trong tín ngưỡng dân gian và trong Đạo giáo cũng được đưa vào nơi thờ Phật, tạo nên sự dung dị và hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian với tôn giáo trong đời sống của người dân nơi đây.


Ý kiến bạn đọc