Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội: Hội đồng nhân dân chỉ đồng ý chủ trương thay thế cây xanh

15:48, 18/03/2015
|

(VnMedia) - Về chuyện chặt 6.700 cây xanh, trao đổi với VnMedia, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hoài Nam cho biết, ông tin rằng Thành phố, Sở Xây dựng sẽ lắng nghe ý kiến người dân nói chung và của ông Trần Đăng Tuấn nói riêng…

>>
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: "Cái gì phải hỏi dân thì đều có qui định rồi"
>> Thư ngỏ gửi Chủ tịch Thành phố Hà Nội
 
Những ngày gần đây, người dân Hà Nội đã hết sức sửng sốt khi thấy hàng trăm cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh đang sinh trưởng bình thường bỗng bị chặt trụi. Ai cũng ngơ ngác hỏi: Sao lại chặt, chặt để làm gì?
 
Ngay sau đó, vào thứ Ba tuần trước, Thành ủy Hà Nội đã có một cuộc họp báo để thông tin về vấn đề này. Theo đó, việc chặt cây ở phố Nguyễn Chí Thanh là nằm trong kế hoạch thay thế cây sâu mọt, cây không đúng chủng loại của Thành phố, với số lượng khoảng 6.700 cây. Riêng phố Nguyễn Chí Thanh, việc chặt cây không phải do sâu mọt mà là để “đồng bộ hóa”, “làm đẹp” bằng cách thay thế đồng loạt, trồng mới bằng cây gỗ Vàng tâm.
 
Sau cuộc họp báo, thông tin trên không những không làm người dân yên tâm mà họ còn lo lắng hơn. 6.700 cây, nếu bị chặt ồ ạt như ở phố Nguyễn Chí Thanh thì Hà Nội sẽ ra sao? Những con đường, những con người sẽ phơi ra dưới cái nắng, không chỉ một mùa hè mà hàng chục mùa hè nữa, trước khi con phố có thể trở nên đẹp hơn.
 
Sốt ruột trước việc đang xảy ra, cách đây 2 ngày, ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Trong thư, ông Tuấn kiến nghị Thành phố nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian, công khai minh bạch về 6700 cây đó để người dân tham gia giám sát.
 
Ông Tuấn cũng đề nghị Chủ tịch Thành phố “hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân” xem nên giữ lại hay bỏ những cây gì; việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt…, đồng thời công khai về cả ngân sách trong việc chặt bỏ, trồng mới cây…
 
Chiều qua (17/3), bên lề buổi giao ban báo chí, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc gì cần phải hỏi ý kiến người dân thì đã có pháp luật quy định. Những gì cần hỏi ý kiến người dân thì sẽ thông qua đại biểu của dân là Hội đồng nhân dân (HĐND). “Chuyện lớn như thế này (chuyện thay thế 6.700 cây - PV), tôi nghĩ là UBND chắc chắn đã phải báo cáo HĐND.”

  Ảnh minh họa

 Một số cây cổ thụ bị bị chặt trên phố Quang Trung


 
HĐND chỉ đồng ý về mặt chủ trương

Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho biết, ông đã đọc thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn và thấy đó là chuyện hết sức bình thường. “Ông Tuấn là một người dân, và ông ấy có quyền có ý kiến.” - ông Nam khẳng định.
 
Ông Nam cũng cho biết, trước đó, sau khi thấy người dân có ý kiến, ông đã trao đổi với với ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc sở Xây dựng, đề nghị Sở xem xét và giải thích thỏa đáng cho dư luận. “Tôi được biết là sau đó, Thành ủy đã có cuộc họp để thông tin về việc này. Nhưng nếu người dân chưa thấy thỏa đáng thì Thành phố vẫn nên xem xét lại. Tôi tin là ý kiến của người dân nói chung và của ông Trần Đăng Tuấn nói riêng sẽ được Chủ tịch Thành phố và Sở Xây dựng xem xét, lắng nghe” - Trưởng ban Pháp chế khẳng định.
 
Việc Thành phố có hỏi ý kiến của HĐND về việc chặt, thay thế 6.700 cây hay không, ông Nam cho biết, Thành phố chỉ hỏi ý kiến về mặt chủ trương chứ không phải là kế hoạch chi tiết, cụ thể. “Thành phố có báo cáo HĐND về mặt chủ trương là thay thế những cây sâu mọt, cây không đúng chủng loại… Còn cụ thể chặt bao nhiêu cây, chặt cây nào, ở phố nào, thay thế ra sao... thì Thành phố tự quyết định”.
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị chủ trì đề án cải tạo, thay thế cây xanh ở 10 quận nội thành cũng cho biết, ông đã nắm được thông tin thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và ông “rất trân trọng, đánh giá cao, đồng thời ghi nhận ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn".
 
Ông Sơn cũng giải thích, việc thay thế 6700 cây sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm chứ không phải chỉ trong năm nay.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc