Đắng lòng trả tiền thật nhận dự án "đắp chiếu"

15:10, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Trên thị trường bất động sản đang tồn tại hàng chục dự án bán nhà theo kiểu huy động vốn xong, chủ đầu tư lại không triển khai dự án khiến khách hàng rơi vào tình cảnh “cắn răng chịu đựng”.

>>> Vụ bắt bà Châu Thị Thu Nga chỉ là thiểu số

Nhiều dự án bán đất "khống" thu tiền thật

Tiêu biểu nhất là các dự án bất động sản tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Được biết, trên địa bàn huyện có hơn 40 dự án bất động sản nhưng có đến hơn 30 dự án bán nhà trên giấy. Điều đáng nói, mặc dù đã huy động vốn của khách hàng từ năm 2008-2009 nhưng cho đến nay nhiều dự án vẫn bỏ không. Chủ đầu tư đem tiền của khách hàng đi đâu không ai được biết, còn dự án nằm im 4-5 năm không động tĩnh gì.

Đơn cử, dự án đô thị Minh Giang - Đầm Và do công ty CP Minh Giang làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 28,8 ha, dự án này đã được bán hết cho khách hàng từ năm 2011 tuy nhiên đã 4 năm nay chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án. Hàng trăm khách hàng bỏ tiền tỷ mua đất dự án Minh Giang không biết bao giờ mới nhận được nhà. 

dự án B5 Cầu Diễn, Tập đoàn Housing, nhà tái định cư, nhà ở thương mại

Dự án B5 Cầu Diễn cũng bị bỏ hoang 8 năm nay trong khi tổng số tiền bà Nga đã thu khoảng 600 tỷ đồng 


Các dự án khác tại địa bàn huyện Mê Linh như khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, River land, Chi Đông, Diamond Park New... cũng đều đang trong tình trạng bỏ hoang, chưa giải phóng mặt bằng.

Theo lý giải của nhiều chủ đầu tư, sở dĩ nhiều dự án bị chậm tiến độ là do vướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu nên phải chờ điều chỉnh. Ngoài ra, do thị trường bất động sản đóng băng nên việc triển khai xây dựng cũng sẽ không thể bán được hàng và thu thêm tiền được của khách hàng nên chủ đầu tư bỏ không. Tuy nhiên, lý do này đưa ra là không thỏa đáng, nhất là đối với những khách hàng đã nộp tiền.

Tương tự như huyện Mê Linh, tại huyện Hoài Đức đang có vô số dự án bán nhà trên giấy. Đơn cử như dự án đô thị An Thịnh 6 (Sơn Đồng, Mê Linh) do công ty Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 1.263 m2 được quy hoạch thành đại đô thị phía Tây. Chủ đầu tư đã thực hiện bán nhà cho khách hàng từ năm 2011, tuy nhiên 4 năm nay dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Nhiều khách hàng tham gia mua nhà tại dự án này đã không khỏi bức xúc và nhiều lần gửi đơn khiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chủ đầu tư vẫn im hơi lặng tiếng.

Cũng tại huyện Hoài Đức, chủ đầu tư dự án đô thị Vân Canh TST cũng đã thực hiện việc bán nhà cho hàng trăm khách hàng và thu hàng trăm tỷ đồng nhưng không triển khai xây dựng nhiều năm nay.

Tại các quận nội thành Hà Nội, hiện vẫn còn vô số dự án bán nhà “khống” nhưng thu tiền thật. Như, dự án nhà ở cho cán bộ chiến sỹ binh đoàn 12 nằm ở xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) suốt hơn 4 năm huy động vốn của hàng trăm khách hàng nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc xanh.

Khu đất dự án vốn là của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc Phòng) nhưng vì đơn vị này không có chức năng kinh doanh BĐS nên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Công ty cổ phần BĐS Thuận Thành (Cty Thuận Thành) để đứng ra tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai xây dựng dự án. Sau đó, dù các thủ tục pháp lý dự án còn chưa hoàn thiện nhưng Công ty Thuận Thành đã đứng ra huy động vốn của hàng trăm khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án.

Theo hợp đồng vay vốn đầu tư được ký kết giữa Công ty Thuận Thành với khách hàng thì thời hạn của khoản vay tối đa là 42 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Nếu Cty Thuận Thành muốn kéo dài thời hạn vay vốn thì phải gửi thông báo gia hạn trước khi kết thúc thời hạn cho khách hàng bằng văn bản nhưng thời gian gia hạn không được kéo dài quá 6 tháng.

Song, dự án không thấy được triển khai, người mua nhà sốt ruột với số tiền đã góp vào Công ty Thuận Thành nên đã cùng nhau tìm gặp công ty này để rút tiền đã góp. Tuy nhiên, để gặp được lãnh đạo Cty Thuận Thành là điều không dễ và chuyện muốn rút số tiền đã góp càng khó trăm bề khiến nhiều khách hàng cay đắng.

Thêm một “trái đắng” nữa mà nhiều người mua nhà hiện không biết làm thế nào với số tiền đã đóng cũng như không biết số phận dự án rồi sẽ đi đến đâu, đó là dự án Sky Garden (Hoàng Mai, Hà Nội).

Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ Sky Garden Towers do Công ty TNHH Định Công (Thành viên Vân Thái Group) làm chủ đầu tư (do 2 thành viên là Viện khoa công nghệ tàu thủy và CTCP Thép Vân Thái – Vinashin góp vốn). Nhiều khách hàng cũng đã tham gia góp tiền để được quyền mua căn hộ tại dự án từ những năm 2012 và sẽ được nhận nhà vào tháng 6/2014. Thế nhưng, dự án vẫn chỉ "dừng hình" khi mới đổ khung tầng 7 trên tổng số 28 tầng và hiện đang “đắp chiếu”.

Doanh nghiệp cố tình không minh bạch

Trước tình trạng một số chủ đầu tư dự án bất động sản huy động vốn của khách hàng nhưng không thực hiện theo cam kết, điển hình là vụ việc của đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga với dự án B5 Cầu Diễn mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, cho biết, v
iệc quy định cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam (còn gọi là bán nhà trên giấy). Hình thức này cũng có mặt ưu là hỗ trợ doanh nghiệp vốn từ người mua nhà, lại vừa xác định được nhu cầu của người mua. Khách hàng cũng có mặt lợi, có thể trả góp, tự chủ được tài chính…

Tuy nhiên, việc này có nhiều rủi ro, trong đó ngoài rủi ro do bị lừa đảo (chỉ chiếm số ít), thì còn có những rủi ro khác, bởi đây là huy động vốn trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp không dự báo được biến động của thị trường, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành của dự án theo cam kết từ nhiều năm trước.

Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã có những quy định siết chặt hơn cho việc bán nhà hình thành trong tương lai, như: phải đạt được tiến độ hoàn thành xong móng, hạ tầng… và phải báo cáo với cơ quan quản lý về kế hoạch bán hàng và phải được chấp thuận. Luật cũng đã quy định để được bán nhà theo hình thức này phải được một ngân hàng thương mại bảo lãnh về vốn, để nếu không hoàn thành được cam kết thì ngân hàng phải hoàn trả tiền cho khách hàng.

"Tuy nhiên, dù Luật thì có thể đủ nhưng cái thiếu chính là sự minh bạch về thông tin của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý, từ đó mới dẫn đến một số vụ khách hàng bị lừa đảo vừa qua" - ông Nguyễn Mạnh Hà nói.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc