(VnMedia) - Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội khoá 15 dự kiến diễn ra trong cả ngày 6/12 tới đây, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên UBND Thành phố dự và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu.
Hôm nay (4/12), Hà Nội khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố khóa 15. Kỳ họp này, dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng HĐND Thành phố vẫn dành hẳn 1 ngày, tức là 1/3 thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên UBND Thành phố dự và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cũng sẽ phải giải trình, trả lời về các nội dung có liên quan trên địa bàn.
Cuối buổi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND Thành phố sẽ báo cáo trước HĐND Thành phố về giải trình một số nội dung chất vấn, các vấn đề mà dư luận quan tâm, về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới của Thành phố.
"Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày với rất nhiều nội dung nên các báo cáo đều được trình bày rất tóm tắt. Tuy nhiên, HĐND vẫn dành 1 ngày cho chất vấn đề thể hiện trách nhiệm của HĐND với việc giám sát. Khác mọi lần trước, lần này thường trực HĐND đã giám sát các kết luận của phiên chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến nay (3 kỳ liên tục). Căn cứ vào các kết luận đó, chúng tôi đã rà lại toàn bộ nội dung các sở ngành đã triển khai các kết luận đó, những gì đã và đang làm, chúng tôi đã có danh sách tất cả các vấn đề này." - Trưởng ban pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Tại kỳ họp này, trong phiên chất vấn, các báo cáo của UBND Thành phố sẽ được gửi cho các đại biểu, HĐND Thành phố sẽ phát Clip về các vấn đề, sự kiện nóng trong quá trình HĐND giám sát để các đại biểu xem và có thông tin để chất vấn lãnh đạo Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND và lãnh đạo các đơn vị.
Theo báo cáo của UBND Thành phố gửi đến HĐND Thành phố, trong năm 2017, Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5% (cách tính mới tăng 7,3%); Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%; giá cả thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,05-3,11%; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,3%; tín dụng ngân hàng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và vốn cho sản xuất; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,54 tỷ USD, tăng 8%. Hà Nội ước đón 23,83 triệu lượt khách du lịch, tăng 9%; trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%. Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, giá một số mặt hàng có thời điểm giảm mạnh nhưng sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng tăng 2%.
Về thu - chi ngân sách, theo báo cáo, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 77,262 nghìn tỷ đồng.
Về quy hoạch, cơ quan chức năng Thành phố đã thẩm định, đang bổ sung, hoàn thiện 06 đồ án quy hoạch; triển khai lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 04 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (đã có báo cáo ý tưởng quy hoạch 10 khu); nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù; triển khai chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới khoảng 11 triệu m2, trong đó nhà ở nhà ở xã hội dự kiến là 60,69 nghìn m2.
Thành phố cũng cho biết, đang tiếp tục thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh”, hiện đã trồng 337 nghìn cây. Thi công hạ ngầm tại 41/56 tuyến phố theo kế hoạch giai đoạn 1 (16 tuyến đã cơ bản hoàn thành); đồng thời xây dựng kế hoạch hạ ngầm đợt 2 với 124 tuyến phố; cơ bản giải quyết 8/41 điểm ùn tắc giao thông.
Thành phố cũng đã cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%. Bàn giao 1.000 ha đất của 300 dự án GPMB, chi trả 10.000 tỷ đồng và tổ chức tái định cư cho 1.200 hộ gia đình, cá nhân...
Về cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, toàn diện, với chỉ số Cải cách hành chính năm qua xếp thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc...
Bên cạnh kết quả nêu trên, ngoài việc khắc phục 23 tồn tại sau kiểm điểm theo nghị quyết Trung ương 4, Thành phố cũng thẳng thắn nêu lên 11 hạn chế cần tiếp tục được quan tâm khắc phục, trong đó đáng chú ý là còn xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép; Tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; vi phạm về biển hiệu; Vẫn còn có một số sai phạm trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tài chính về đất đai; Công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, thu gom rác thải chưa thực sự chủ động, còn hạn chế; dịch bệnh như sốt suất huyết kéo dài...
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc