Bạo hành trẻ do đâu?

15:04, 03/12/2017
|
Một số giáo viên chọn nghề không xuất phát từ tình yêu với trẻ. Khi gặp sự vất vả mang tính đặc thù của nghề nên đã không kiềm chế được cảm xúc và hành vi...

 

Ảnh: Đ.N.Thạch - H.N
Ảnh: Đ.N.Thạch - H.N

 

Trong tuần qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM). Bạo hành trẻ đã diễn ra khá phổ biến, vậy nó có nguyên nhân từ đâu và giải pháp nào cho vấn đề này?

Chọn nghề không xuất phát từ tình yêu trẻ

Theo cô Trần Thị Tú Quyên, Trường mầm non Vàng Anh (TP.HCM) nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ trong trường mầm non xuất phát từ áp lực công việc, sĩ số lớp đông, giáo viên phải làm việc liên tục thời gian dài trong ngày.

Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là áp lực từ phía phụ huynh, nhiều cha mẹ quá quan trọng và lo lắng việc tăng cân của trẻ. Thường xuyên nhờ cô ép trẻ ăn nên giáo viên dễ bị cuốn vào trạng thái tâm lý phải ép ngược lại với trẻ. Đồng thời có nhiều trẻ không hợp tác, thức ăn ở trường không phù hợp, không ngon miệng nên khi giáo viên không biết cách kiềm chế cảm xúc dễ dẫn đến không kiểm soát hành động.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, nguyên phó phòng giáo dục Q.8, TP.HCM, đặt vấn đề ở khối các trường ngoài công lập, đương nhiên chủ trường, chủ nhóm lớp đặt lợi nhuận là quan trọng nên các cơ quan quản lý cần có hình thức nhắc nhở thường xuyên để họ nhận thức và quan tâm đến trẻ em. Thực tế có một số quận, huyện, phường xã bỏ lơ không lưu ý đến việc kiểm tra giám sát các nhóm, lớp ngoài công lập.

Bà T.Q, phó hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.5, TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ là do một số giáo viên chọn nghề không xuất phát từ tình yêu với trẻ. Khi gặp sự vất vả mang tính đặc thù của nghề nên đã không kiềm chế được cảm xúc và hành vi.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội LHTN VN), chưa bao giờ mà bạo lực lại diễn ra nhiều như hiện nay. Mức độ bạo hành ngày một tăng lên do cái tâm của một số người, đạo đức của một số người đang đi xuống. Trong điều kiện xã hội như bây giờ thì cái tốt và cái xấu lẫn lộn nhau. Mà con người thì ảnh hưởng cái xấu rất là dễ cho nên hình thành một bộ phận người hành xử không còn nhân tính…

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cũng đồng quan điểm.

Bà Thúy cho rằng: “Theo tôi khi xét về nguyên nhân xã hội thì có những nguyên nhân sau. Nguyên nhân thứ nhất là do đạo đức xuống cấp và xuống cấp ở mức độ báo động đỏ cho nên hành vi của con người hiện nay đang lệch chuẩn. Thứ hai là mở quá nhiều nhà trẻ và không có quản lý, khi buông lỏng quản lý thì người ta sẽ làm liều, làm ẩu,… Thứ ba là hiện nay tại TP.HCM vấn đề gia tăng dân số, di dân quá nhanh nên sự xuất hiện của quá nhiều gia đình trẻ và nhu cầu gửi trẻ là rất cao. Nên các cơ sở giữ trẻ chưa đáp ứng, dẫn đến nảy sinh các nhóm giữ trẻ gia đình không có chuyên môn, không nghiệp vụ...

Cho giáo sinh trải nghiệm với nghề từ năm học đầu tiên

Từ các nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ vừa nêu ở trên, nhiều ý kiến mang tính giải pháp cũng được các chuyên gia, giáo viên đề ra.

Theo bà T.Q, để tránh tình trạng bạo hành trong trường mầm non, thành viên ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên, nhắc nhở giáo viên những chuẩn mực của nghề. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề từ gốc thì theo vị quản lý này, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành mầm non, các trường sư phạm phải đặc biệt lưu ý giáo dục đạo đức nhà giáo để họ hiểu làm thế nào cho phù hợp trong môi trường giáo dục.

Ngoài ra, nên cho giáo sinh trải nghiệm với nghề ngay từ năm học đầu tiên. Để họ thấy yêu nghề thì tiếp tục dấn thân còn không thì rẽ sang chọn hướng đi mới.

Bà Tuyết nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm quản lý phải ý thức rằng việc xảy ra bạo hành trẻ mầm non luôn có nguy cơ cao. Nên dù không đi kiểm tra hết một lúc, liên tục thì cũng phải “rảo rảo vì đi chỗ này có thể đánh động chỗ khác”. Từ đó bà Tuyết cho rằng các phường, xã nên phát huy thế mạnh của hội phụ nữ, tổ dân phố… tham gia vào giám sát nhóm lớp mầm non.

Bà Hiên khuyên: “Bố mẹ phải quan tâm đến con, quan sát được các biểu hiện khác thường của con như đi học về mà không vui, sợ sệt, rồi lấm lét, rồi xem thử con có những dấu hiệu gì khác trên cơ thể hay không. Mà thông thường các đối tượng bạo hành hay đe dọa nên các em sẽ không dám lên tiếng dù được bố mẹ gặng hỏi. Chính vì thế, cha mẹ khi gửi trẻ nên có sự lựa chọn và phải theo dõi từng thay đổi nhỏ của con. Dù cho cuộc sống mưu sinh có bận đến mấy cũng phải tuyệt đối quan tâm đến con mình”.

Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng nan giải nhất là vấn đề xuống cấp đạo đức. Tuy nhiên bà Thúy cũng khuyên: “Đạo đức là bài toán hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm nhưng có thể nói một cách căn cơ là nằm ở giáo dục gia đình. Giáo dục trẻ bằng tình yêu thương thì sẽ sản sinh ra những người có lòng nhân ái, sau này lớn lên làm gì cũng sẽ tử tế. Bên cạnh đó, mỗi trẻ được giáo dục trong tình yêu thương sẽ không chấp nhận bạo lực, khi bị bạo lực trẻ sẽ về mách lại bố mẹ. Còn nếu ở nhà trẻ bị bố mẹ đánh đòn thường xuyên thì khi đến trường bị cô giáo đánh trẻ cũng sẽ thấy bình thường và không có sự phản ứng lại...”.

Theo Thanh Niên


Ý kiến bạn đọc