Cảnh báo đi xe máy vào đường vành đai 3 trên cao: Gây tai nạn chết người!

19:45, 05/12/2017
|

Sau khi đưa vào vận hành, khai thác tuyến đường vành đai 3 (Hà Nội) đã giúp giảm tải ách tắc giao thông, tạo thông thoáng trong lưu thông tại các nút giao cửa ngõ của thủ đô. Tuy nhiên, tình trạng người đi bộ, xe máy, xe khách dừng đỗ, đón trả khách tại đây đang gây bức xúc, nguy hiểm cho người và các phương tiện khác. Điển hình cách đây hai ngày một nam thanh niên đi xe máy đã đâm vào chiếc xe bán tải khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Phớt lờ biển cấm

Đường vành đai 3 là đường cao tốc trên cao dành riêng cho ôtô, tại hai đầu của tuyến đường vành đai 3, cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo phân làn, biển cấm môtô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông trên cầu. Ngoài ra, tại những điểm lên, xuống, lối mở dọc hai chiều của đường cao tốc trên cao, hệ thống biển báo trên cũng được “nhắc lại”.

Quy định rõ ràng là vậy, song những vi phạm tại tuyến đường cao tốc trên cao diễn ra liên tục, có hệ thống và dai dẳng. Vi phạm phổ biến nhất vẫn là tình trạng môtô, xe máy vượt lối leo lên trên đường cao tốc trên cao. Cùng với đó, tại các điểm lên xuống ở hai chiều đường, tình trạng xe khách dừng, đỗ đón trả khách sai quy định thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV chỉ sau một thời gian lực lượng chức năng xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm thì tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, nhất là ở đoạn đường từ Khuất Duy Tiến đến đường Phạm Hùng.

Điển hình, vào ngày 7.10, một nam thanh niên điều khiển chiếc xe máy Dream, BKS 36B5-832.12 chạy trên đường Vành đai 3 trên cao, hướng đi từ Cao tốc Ninh Bình về cầu vượt Mai Dịch khi đến đoạn đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam bất ngờ đâm vào một chiếc xe bán tải, BKS 29C-80xx đang hỏng đỗ bên lề đường. Sau cú va chạm mạnh, nam thanh niên bị văng, đập vào thành lan can đường và tử vong tại chỗ. Danh tính nạn nhận được xác định là Hoàng Văn Quang (SN 1994, ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Nhiều lái xe khi lưu thông trên đường vành đai 3 đã không ít lần phải giật mình tránh và nhường đường cho xe máy phóng với tốc độ cao trên tuyến đường này. Anh Trương Quang Dũng (Hà Nội) hằng ngày thường xuyên đi lại trên tuyến này cho biết, nhiều khi xe đang chạy với tốc độ 80km/giờ phải giảm tốc độ đột ngột để né tránh một tốp xe máy từ phía sau vọt lên. Bởi đây là khu vực thường có hiện tượng xe khách dừng đón, trả khách, nhất là tại khu vực từ ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi đến ngã tư Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến.

Anh Dũng kiến nghị, trước tình trạng này cơ quan chức năng nên đặt camera quan sát tại các điểm ra vào cao tốc, có loa nhắc nhở, cảnh báo để người quan sát tại trung tâm có thể phát loa cảnh báo người vi phạm đồng thời có bằng chứng phạt nguội.

Mang họa cho người khác

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì người đi bộ vào đường cao tốc, đường cấm sẽ áp dụng mức phạt là 100 nghìn đồng/người, còn mức phạt đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc trên cao là 300 nghìn đồng/người. Ngoài ra, người lái xe môtô vi phạm còn chịu hình thức xử phạt tước giấy phép lái xe 30 ngày.

Mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng dường như người tham gia giao thông vẫn bỏ lơ những quy định này và cố tình vi phạm, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng liền quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm đến các phương tiện khác đang lưu thông.

Theo một lãnh đạo CSGT đội 6 (thuộc Phòng CSGT - Công an Hà Nội), đường vành đai 3 là tuyến đường dành riêng cho xe ôtô, các phương tiện xe thô sơ và người đi bộ không được phép lưu thông. Lực lượng CSGT cần tiếp tục mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần lập danh sách các trường hợp người điều khiển xe môtô hành nghề xe ôm đã bị lực lượng CSGT lập biên bản và xử lý vi phạm cung cấp cho công an các quận để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm chấm dứt tình trạng trên.

Theo Lao Động


Ý kiến bạn đọc