(VnMedia) - 2 cháu sẽ được xuất viện vào ngày hôm nay 1/12. Một cháu bé nặng nhất đã cai được máy thở, toàn trạng ổn định hơn, dự kiến có thể được ra khỏi phòng cách ly ít ngày tới...
Liên quan đến tình hình sức khỏe của 3 bệnh nhi được chuyển đến từ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, Ths.BS. Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 cháu sẽ được xuất viện vào ngày hôm nay 1/12. Một cháu bé nặng nhất đã cai được máy thở, toàn trạng ổn định hơn, dự kiến có thể được ra khỏi phòng cách ly ít ngày tới nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi sát sao.
Là người trực tiếp theo dõi, điều trị cho các cháu bé, bác sỹ Lê Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Các cháu vào viện trong tình trạng đẻ non, có suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng nặng. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã rất khẩn trương, tích cực điều trị: thở oxy, chiếu đèn, kháng sinh, hỗ trợ chăm sóc trong phòng cách ly đặc biệt.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, 2 trong 3 cháu đã có tiến triển tốt, các cháu đã tự bú mẹ được 30-40ml/lần. Các chỉ số nhiễm khuẩn giảm dần và đến hôm qua (30/11) tình trạng nhiễm trùng đã hết, sức khỏe ổn định, có thể giao các cháu cho gia đình chăm sóc độc lập nên sẽ được các bác sĩ cho ra viện vào ngày hôm nay 1/12.
Anh Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi, Võ Cường, Bắc Ninh) là bố của bệnh nhi Nguyễn Hùng C. không giấu nổi sự vui mừng khi con trai được xuất viện trở về nhà. Anh Tiến cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai và các thầy thuốc Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự chăm sóc chu đáo, sự động viên an ủi kịp thời khi các cháu nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Cháu bé nặng nhất đã cai được máy thở
Về tình hình sức khỏe của cháu bé nặng nhất, BS. Lan Anh cho biết: Khi chuyển đến bệnh viện Bạch Mai cháu phải hỗ trợ thở máy hoàn toàn, gần như không ăn được tí nào, ăn không tiêu chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề. Bệnh nhi phải sử dụng các thuốc vận mạch và các hỗ trợ đặc biệt khác, hỗ trợ cả về hô hấp và tuần hoàn, nuôi dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch, đường huyết giảm…
Trong quá trình điều trị, có những giai đoạn kết quả xét nghiệm và lâm sàng biểu hiện sự tiến triển xấu nhưng các thầy thuốc đã không bỏ cuộc. Với phác đồ điều trị tích cực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các chuyên gia trong bệnh viện: Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Hóa sinh và Khoa Dược …. Đặc biệt sự nỗ lực hết sức của tập thể nhân viên Khoa Nhi - Đơn nguyên Sơ sinh (BS Đỗ Tuấn Anh, BS Phạm Thị Mai, điều dưỡng Hà Thị Kim Loan, điều dưỡng Vũ Khánh Ly, điều dưỡng Lê Thùy Dương, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hương...), đến hôm qua (30/11), cháu đã cai được máy thở, ăn tốt hơn (30-40ml/lần), tình trạng nhiễm khuẩn đã kiểm soát được một phần.
Tuy nhiên, cháu vẫn cần theo dõi sát sao. Nếu cứ tiến triển tích cực như vậy, chỉ trong ít ngày nữa cháu sẽ được ra khỏi phòng cách ly.
Trước đó, sáng 20/11, một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh khi có 4 cháu bé sơ sinh tử vong chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ. Cùng ngày, 20/11, Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh trong tình trạng nhiễm trùng, trẻ sinh non, có tổn thương rất nhiều cơ quan: Phổi, tim, gan, não... Ngay lập tức Ban giám đốc của bệnh viện do PGS.TS Nguyễn Quốc Anh dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế tại Khoa Nhi, chỉ đạo cho Ban Lãnh đạo và các thầy thuốc ở đây tập trung mọi nguồn lực cao nhất về nhân lực, thuốc men, máy móc trang thiết bị để cứu chữa cho các cháu.
Hiện nay, đơn nguyên Sơ sinh của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã tạm dừng hoạt động để tiến hành tổng kiểm soát nhiễm khuẩn, khử khuẩn toàn bộ. Nguyên nhân dẫn đến việc các cháu bị nhiễm khuẩn huyết nặng chưa được công bố.
GS Nguyễn Việt Hùng (bệnh viện Bạch Mai), người dân phải hiểu điều “cực kỳ quan trọng”, đó là trẻ sơ sinh là một cơ thể không hoàn thiện, đặc biệt là về hệ thống miễn dịch nên nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao, rất dễ nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong mặc dù đứa trẻ sinh ra tương đối khoẻ mạnh. Còn những trẻ thiếu tháng thì nguy cơ càng cao.
“Đơn vị sơ sinh là đơn vị rất chuyên nghiệp nhưng phải có sự hỗ trợ của những bà mẹ, thân nhân, chứ không phải sinh ra tôi muốn vào thăm, sờ trán, ru cháu… là được vì đó là những hành vi mang vi khuẩn vào cho cơ thể cháu, mang vi khuẩn vào khu vực đó, khiến vi khuẩn định cư trong da, trong cơ quan hô hấp nên khi can thiệp dễ bị xâm nhập. Thân nhân hay bà mẹ chỉ cần một hành vi không rửa tay là giường bệnh, lồng ấp đã có thể bị ô nhiễm…” - GS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc