Chính phủ báo cáo có thể đạt được chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2020; tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng mất cân bằng có xu hướng tăng nhanh, không đồng đều giữa các vùng miền, gây ra nhiều hệ lụy.
Về chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020, báo cáo đánh giá năm 2016 là 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015). Mặc dù tỷ số có tăng so với các năm trước đây song vẫn trong tầm kiểm soát và đang đạt chỉ tiêu.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến, đoàn Phú Thọ, cho biết: nước ta hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. Số tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng nhanh. Năm 2009 là 45/63 thì đến năm 2015 là 55/63 tỉnh.
Theo đại biểu Yến, nguyên nhân do ảnh hưởng văn hóa Nho giáo muốn có con trai, trọng nam hơn nữ. Mặt khác, khoa học, công nghệ phát triển có thể chuẩn đoán sớm giới tính thai nhi và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi một cách dễ dàng. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành. Đại biểu này lo ngại: Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra và không có giải pháp hữu hiệu, đến giữa thế kỷ này, dự báo nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đất nước. Góp phần làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tỷ lệ mại dâm, hiếp dâm.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị cần đánh giá kỹ khả năng hoàn thành chỉ tiêu nêu trên. Qua các báo cáo thấy tình trạng tỷ số giới tính khi sinh tăng đều theo từng năm từ 2014 đến 2016. Hiện nay có hơn 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước.
Vào năm 2017 tỷ số giới tính khi sinh tại một số tỉnh, thành phố có chiều hướng tăng mạnh đến mức cảnh báo trên 120 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Theo đại biểu Quân, sự mất cân bằng giới tính hiện nay đáng báo động. Đây không chỉ đơn thuần là sắp tới nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời mà có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn như tăng tệ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em, mua bán tình dục, xâm hại tình dục, tăng tỷ lệ phụ nữ kết hôn sớm, ly hôn, tái hôn và tương lai có thể thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề như may mặc, giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính, theo đại biểu Dương Tấn Quân, cần phải có biện pháp cụ thể và những chính sách thiết thực hơn. Cần phải có đánh giá cụ thể từng nguyên nhân để có biện pháp can thiệp hiệu quả. Tiến hành đồng bộ các giải pháp từ truyền thông chuyển đổi hành vi, trong đó việc tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục người dân thấy được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh.
Từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Cần ban hành những quy định mang tính pháp lý, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan đoàn thể, cơ quan pháp lý. Đồng thời quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.
Còn đại biểu Lê Thị Yến đề nghị đổi mới và tăng cường truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới một cách sáng tạo, thiết thực, phù hợp với vùng miền làm chuyển biến nhận thức, hành vi. Đặc biệt là nâng nhận thức của nam giới về vấn nạn lựa chọn thai nhi. Đồng thời cần nghiên cứu để từng bước xây dựng các chuẩn mực xã hội, đảm bảo sự bình đẳng của con gái với con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, bảo đảm sự công bằng về vai trò của nam giới và nữ giới trong các hoạt động kinh tế - xã hội và chính trị.
(Theo PhunuVietnam)
Ý kiến bạn đọc