Bộ trưởng Y tế không phải ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn

15:41, 09/11/2017
|

(VnMedia) - Sáng 9/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã giải thích vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này, dù bà Tiến nhận được nhiều yêu cầu nhất so với các Bộ trưởng còn lại.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, các chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, nội dung nổi lên trong 2 ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội vừa qua và các kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã chọn ra các nhóm vấn đề chất vấn.

Theo đó, nhóm vấn đề về công tác quản lý thuế, trong đó tập trung giải quyết nợ đọng thuế; hải quan; quản lý nợ công an toàn, đảm bảo an toàn nền tài chính. Đăng đàn trả lời nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngoài ra, Phó thủ tướng phụ trách Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp trả lời.

Nhóm vấn đề liên quan điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng tín dụng an toàn, các ngân hàng yếu kém, giải pháp an toàn hiệu quả cho các ngân hàng. Với nhóm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ lên "ghế nóng", bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… "chia lửa".

Nhóm vấn đề liên quan đến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, xã hội hoá các chương trình phát thanh truyền hình; định hướng tuyên truyền. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trả lời về nhóm này. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các Bộ trưởng: Công an, Quốc phòng, Văn hoá-Thể thao và Du lịch.

Nhóm vấn đề liên quan giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là xét xử hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ công chức toà án, cải cách tư pháp. Chánh án TAND Tối cao đăng đàn trả lời. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và các thành viên Chính phủ khác làm rõ thêm.

Quốc hội cũng sẽ dành nửa buổi để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời trước cử tri, Quốc hội về những nội dung đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không bị chất vấn không có nghĩa là “không bị động đến”

Nói về việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về chất vấn, trong đó có vấn đề liên quan đến ngành y tế, đề cập đến vấn đề khám chữa bệnh, y tế, dịch bệnh, quản lý giá thuốc…

"Hiện nay, Bộ trưởng đang triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế, phải dành thời gian cho ngành thực hiện Nghị quyết này. Chưa đầy 1 năm mà chúng ta lại chất vấn ngay Bộ Y tế, trong khi đó nhiều ngành khác còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải làm rõ"- ông Phúc nói.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin, dù không thuộc danh sách được lựa chọn chất vấn nhưng không có nghĩa Bộ trưởng Bộ Y tế không phải trả lời các câu hỏi liên quan.

Theo đó, “trong quá trình chất vấn, trao đổi với Thủ tướng, nếu có câu hỏi, có thể Bộ trưởng Y tế cũng cần phải làm rõ những vấn đề của ngành mình. Không phải không chất vấn là không động đến"- ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.

Liên quan đến vấn đề thu phí BOT hiện cũng đang rất “nóng”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đoàn giám sát chuyên đề về và đã có Nghị quyết về vấn đề này. Vì vậy, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cần phải có thời gian để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa mới nhậm chức, cần phải có thời gian tìm hiểu vấn đề trong ngành mình quản lý. Cho dù Bộ trưởng đã từng làm Thứ trưởng Bộ này nhưng do đã đi cơ sở 3 năm nên cũng cần thời gian cập nhật lại. Thế nên, vấn đề của ngành giao thông chuyển sang thời gian phù hợp khác" - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc