Tổng kết 2 năm Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu: Thành công từ mô hình và hướng nhân rộng

15:55, 09/11/2017
|
(VnMedia) - Sau 2 năm (2016- 2017) với thực tiễn sản xuất 3 vụ lúa, Ban tổ chức chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức tổng kết, khẳng định hiệu quả đạt được và phương hướng nhân rộng trong thời gian tới.
 
Sức lan tỏa lớn 
 
Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đánh giá: “Xây dựng mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ý tưởng và tài trợ thực hiện bởi Cty CP Phân bón Bình Điền, đã có sự tham gia của hệ thống khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL.
 
Qua 3 vụ xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh với mục đích liên kết nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn nông sản và thân thiện với môi trường. Những kết quả đạt được từ mô hình đã khẳng định tính ưu việt và khả thi của các giải pháp kỹ thuật canh tác, khẳng định sự thành công của chương trình.
 
Cụ thể, lượng hạt giống xác nhận sử dụng ở mức từ 80 kg/ha trở xuống, giảm trên 50 % so với tập quán sản xuất chung của nông dân. Tính trong vụ Hè Thu 2017, lượng phân bón hợp lý với công thức 81-60-42, giảm từ 16 đến 26% so với đối chứng; Sử dụng phân bón lót Đầu Trâu Mặn-phèn, phân bón Đầu Trâu TE A1 và Đầu Trâu TE A2. Trong đó phân bón lót Đầu Trâu Mặn – phèn được khẳng định chất lượng rất tốt từ các mô hình, xây dựng thói quen dùng phân bón lót ở các vùng nhiễm phèn mặn để cải đạo đất đầu vụ là một gợi ý rất “trúng” của gói kỹ thuật. Năng suất bình quân 6,65 tấn thóc/ha, tăng 11,4% (680kg/ha) so với đối chứng; Số lần phun thuốc BVTV giảm 2 lần so với đối chứng (chỉ phun thuốc sau 40 ngày gieo sạ, giảm được 1,1 triệu đồng/ha); Tỷ suất lợi nhuận cao hơn đối chứng 13% (trên 5,9 triệu đồng/ha). Lợi nhuận bình quân trong mô hình ở 13 tỉnh tăng trên 50%, cá biệt có những địa phương, như Tiền Giang lợi nhuận tăng hơn đối chứng đến 105%, Cà Mau tăng đến 86,6%, Bến Tre tăng 71,6%.
 
Theo ông Khởi, hiệu quả quan trọng nhất là qua tổ chức mô hình, đã nhận được lòng tin của nông dân, đồng thời đây cũng là minh chứng cho sự đồng nhất để hệ thống khuyến nông địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo, nhân rộng từ mô hình ra sản xuất đại trà.
 
Tiếp lời ông Khởi, ông Phan Văn Mến, ở TP Cà Mau là nông dân tham gia mô hình vụ hè thu năm 2017, nói: “Rất cám ơn Chương trình và Cty Bình Điền đã cho nông dân chúng tôi một gói kỹ thuật để canh tác lúa thành công trong điều kiện khắc nghiệt của BĐKH. Từ vụ lúa tới, tôi sẽ áp dụng gói kỹ thuật này vào làm cả 5 ha lúa nhà mình”.
 
Phát biểu của ông Mến cũng đã trả lời cho trăn trở của ông Phan Huy Thông, nguyên GĐ Trung tâm Khuyến nông quốc gia: “Các hộ nông dân đã tham gia làm mô hình cần tiếp tục làm và vận động những hộ dân xung quanh thực hiện theo gói kỹ thuật của Bình Điền”.
 
Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, nói: “Chương trình sẽ tiếp tục được duy trì thực hiện trong thời gian tới, nhưng sẽ có những đổi mới cách làm. Khi mô hình thí điểm đã thành công rồi thì phải nhân rộng nó ra, không chỉ những thửa ruộng 0,5 ha, mà là những cánh đồng hàng chục, hàng trăm ha. Bình Điền sẽ áp dụng những chính sách mới để chương trình tiếp tục phát triển và mang đến lợi ích cao nhất cho bà con nông dân”.
 
Đậm tính nhân văn
 
Nói về mục tiêu của chương trình, PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên thường trực Hội đồng cố vấn chia sẻ: “Vì người nông dân, lấy người nông dân làm trung tâm, giúp nông dân có thu nhập cao, cải thiện đời sống, không chỉ vật chất mà cả văn hóa- tinh thần và môi trường sống. Giúp nông dân dần trở thành như là chuyên gia trên đồng ruộng của mình, nông dân tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra trong sản xuất, nhất là do BĐKH… Chương trình đã tập hợp được các lực lượng, như cán bộ kỹ thuật trồng trọt, khuyến nông, các nhà khoa học nông nghiệp và doanh nghiệp với sự đoàn kết, đồng lòng cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp đi đến thành công. Như vậy chương trình đã đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, có cả ý đảng, lòng dân vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”.
 
Ông Võ Quốc Trung, trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cũng khẳng định: “Mô hình là môi trường học tập cho cán bộ khuyến nông, nhất là ở cơ sở nâng cao hiểu biết kỹ thuật và cách thức tuyên truyền, vận động, chuyển giao cho nông dân. Cán bộ khuyến nông như được truyền lửa từ các nhà khoa học để lao vào cùng làm ruộng với nông dân, giúp nông dân xử lý những tình huống phức tạp trong sản xuất”. 
 
Còn ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Trồng trọt tại  TP Hồ Chí Minh, thì nói:  “Chương trình Canh tác thông minh là tiếp nối nhiều chương trình, nhiều hoạt động của Bình Điền, rất phù hợp với sản xuất lúa ở ĐBSCL. Nó thể hiện tính nhân văn rất cao của một doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh phân bón, ở chỗ đề ra công thức và khuyến cáo nông dân giảm lượng phân bón, tức là giảm doanh số bán hàng. Cần đánh giá đúng giá trị gia tăng của chương trình, gắn với sản phẩm lúa gạo. Hơn hết là trách nhiệm và nhiệt tình rất cao của Cty Bình Điền đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, với sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL nói riêng”.
 
Trần Đình Thế

Ý kiến bạn đọc