(VnMedia) - “Phòng tham nhũng phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định, thấy tiền không thích” - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 phát biểu tại phiên họp tổ thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng chiều 9/11.
Chiều 9/11, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Luật này.
Phát biểu tại tổ, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, ngày nay có nhiều cán bộ tha hoá, quan liêu, “bước ra khỏi xe vào thẳng cơ quan chả biết cuộc sống xung quanh có gì tốt xấu". “Nhiều cán bộ như thế nên phương án mở rộng (đối tượng phải kê khai tài sản - PV) thì tốt hơn. Đã là công chức phải khai báo là đương nhiên. Tham nhũng là người có chức có quyền, nhưng bây giờ có cả dân cũng tham nhũng, môi giới làm đủ kiểu, tìm hiểu con cháu lãnh đạo ở đâu để ở gần rồi tiếp cận…” - Tướng Sùng Thìn Cò nêu quan điểm. Theo ông, cán bộ không tốt thì dân không được nhờ.
“Phòng là quan trọng. Đức là gốc của người cán bộ, có tài không có đức thì hại nước hại dân nên phòng thì phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định vững vàng, thấy tiền không thích” - ông Sùng Thìn Cò nói.
Cán bộ về hưu phải kê khai tài sản thêm 5 năm nữa
Trong khi đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì thắng thắn đánh giá, Dự án luật lần này vẫn xa cuộc sống, đối tượng áp dụng rộng nhưng tính khả thi không cao, nhiều quy định còn đơn giản, chưa thể hiện được quyết tâm chính trị.
Quan điểm của đại biểu Ngọ Duy Hiểu là cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng tư nhân ngoài nhà nước vì thực tế tham nhũng đang có tình trạng “sân sau”, chính là khu vực tư cho nên phải đấu tranh với khu vực này. Đó cũng là điều mà các Công ước quốc tế đã chỉ ra.
Ông Hiểu cũng cho rằng cả 2 phương án kê khai tài sản đều không hợp lý. Thứ nhất là giữ nguyên và thứ hai là các chức danh có phụ cấp. Nhưng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng bao giờ cũng quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao. Thực tế cán bộ địa chính xã có nguy cơ tham nhũng hơn ông Vụ trưởng ở trung ương nếu ông Vụ trưởng không quản lý về tài chính. Do đó phải hướng tới lĩnh vực ngành nhóm người có nguy cơ tham nhũng.
“Cần khảo sát đối tượng dễ xảy ra tham nhũng để tập trung kê khai. Vì thực tế có cán bộ làm địa chính xã nhưng có đến 4-5 cái nhà. Đồng thời cần kê khai tài sản với cả con đã thành niên, vì nếu chỉ kê khai con chưa thành niên là bỏ sót. Nhiều cử tri còn đề nghị kê khai tài sản của cả người thân tín của họ nữa, do vậy cần quy định để phòng ngừa nhìn xa, trông rộng. Hay đối với người có chức vụ quyền hạn khi về hưu cũng phải kê khai tài sản liên tiếp trong 5 năm khi về hưu vì thực tế có Bộ trưởng sau khi về hưu là xây dựng nhà lớn” - ông Hiểu cho biết.
Về việc công khai tài sản, đại biểu Ngọ đề nghị cần công khai ở cơ quan và nơi cư trú thường xuyên để cử tri theo dõi giám sát cũng như phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát. Bên cạnh đó, một số chức danh lãnh đạo quản lý cần phải luân chuyển như chức danh Chủ tịch xã, huyện không phải là người địa phương đó mới là căn cốt của vấn đề, vì thời gian qua, chủ yếu bổ nhiệm người nhà đều là do người địa phương, lợi ích nhóm và thành lập doanh nghiệp sân sau.
Công khai ở chi bộ thì quá bằng giấu đi!
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thì đề nghị, việc sửa luật phòng chống tham nhũng chỉ cần tập trung ba vấn đề hết sức quan trọng. Thứ nhất là ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì kiểm soát. Không nên đưa quá nhiều đối tượng phải kê khai tài sản, trong khi khả năng quản lý không có dẫn đến không kiểm soát được. “Phải phải xem xét, tính toán lại, chứ đưa những đối tượng chẳng có gì để tham nhũng vào thì vừa buồn vừa tủi” - ông Lợi nói.
Thứ hai, theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi, khi xác định được đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập rồi thì phải khoanh vùng mức độ công khai - ở nơi cư trú, nơi làm việc. “Công khai nơi cư trú dân rất yên tâm. Còn công khai ở chi bộ thì quá bằng giấu kín đi, vì chi bộ đâu có ai kiểm soát nhau, không ai chê ai thì công khai ở chi bộ làm gì? Nên công khai tài sản, thu nhập chứ càng giấu càng chết. Tài sản như bồ nhí, càng giấu càng tìm” - ông Lợi thẳng thắn nói.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng nhấn mạnh biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Dẫn quy định trong dự thảo về việc cán bộ, công chức chi trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua tài khoản, ông Lợi đặt câu hỏi: “Tại sao ở đây quy định chỉ trên 20 triệu trở lên mới kiểm soát?”. Theo ông, nếu kiểm soát tài toàn bộ qua ngân hàng thì “ai cũng có thẻ ngân hàng tiền vào bao nhiêu đều biết, gửi ra nước ngoài cũng biết thì sẽ hạn chế được tham nhũng”.
Phát biểu tại tổ chiều nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, tham nhũng rất phức tạp, người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết. Một khi có ý đồ giấu diếm thì việc phát hiện rất khó khăn. Do đó, trong phòng chống tham nhũng, theo ông Khái, thì phòng là chính.
“Phải thiết kế làm sao có khuôn khổ pháp lý để người có ý đồ muốn tham nhũng không thể tham nhũng. Chứ để tham nhũng rồi mới phát hiện, xong xử lý cũng hết sức đau lòng. Mình vừa mất cán bộ, tù tội. Rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi, thực ra về nhân văn thì chúng ta không muốn” - Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói.
Theo ông, biện pháp phòng ngừa có nhiều, cần thảo luận, phân tích rất kỹ để thiết lập khuôn khổ pháp lý để phòng ngừa thật chặt, để muốn tham nhũng, thậm chí lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi thì cũng không thể tham nhũng vì đã có cơ chế kiểm soát.
“Nếu chúng ta làm được điều này thì phát hiện sẽ bớt đi, xử lý sẽ ít đi” - ông Khái nói.
Về công cụ phòng tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đầu tiên là thiết kế quy chế làm việc hết sức chặt chẽ, rồi có tiêu chuẩn định mức, công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác. “Chứ một vị trí công tác làm nhiều năm, làm lâu năm thì có mối quan hệ để phối hợp với nhau. Hay trong mối quan hệ xã hội thì cái nào được phép làm, cái nào không được tiếp xúc thì trong luật cũng nên quy định” - ông Lê Minh Khái nói.
Ông Khai cho rằng, nếu tham nhũng rồi mà không phát hiện được thì biện pháp cuối cùng là về tài sản phải có cơ chế công khai minh bạch rõ ràng, công khai ở nơi làm việc và nơi đảng viên sinh hoạt.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc