Chất vấn lĩnh vực Tài chính: Bộ trưởng mới trả lời được 1/10 số câu hỏi

11:18, 16/11/2017
|

(VnMedia) - Với con số 48 đại biểu đăng ký ngay từ đầu giờ, và còn tăng thêm thì qua hơn 1 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới chỉ trả lời được 5 đại biểu và chỉ 1 đại biểu được phát biểu tranh luận...

Phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp Quốc hội sáng nay (16/11) dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với vấn đề được quan tâm nhất là khoản nợ công hơn 3 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017.

Tuy nhiên, với con số 48 đại biểu đăng ký ngay từ đầu giờ, và còn tăng thêm thì qua hơn 1 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng chỉ trả lời được 5 đại biểu và chỉ 1 đại biểu phát biểu tranh luận. Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thường đi sâu vào chi tiết báo cáo với những con số mà chưa chỉ ra được các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề tồn đọng khiến Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân liên tục phải nhắc Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu hỏi.

Như câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo “công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian qua đang là một trở ngại lớn, Bộ trưởng có giải pháp gì?” Thì câu trả lời của Bộ trưởng vấn là “tiếp tục phối hợp và đôn đốc các Bộ ngành rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu đang thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành để đề xuất theo hướng giảm thủ tục, giảm đầu mối”.

Lúc này, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc: “Từ nay đến cuối năm và 6 tháng của năm 2018, ngành tài chính sẽ phối hợp với các Bộ ngành để khắc phục được hay không?” và Bộ trưởng cho biết: “Khối lượng công việc rất nhiều, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Hay như như câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Hằng về giải pháp đối với thói quen đi mua hàng không lấy hóa đơn của người dân đã tạo kẽ hở cho doanh  nghiệp, hộ kinh doanh kê khai giảm doanh thu bán hàng, giảm lợi nhuận và tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu thuế của nhà nước.

Trả lời câu hỏi này, lẽ ra Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải đi thẳng vào giải pháp thì Bộ trưởng lại đi sâu nói về việc sửa đổi cách tính thuế, khoán cho các hộ kinh doanh.

“Xin Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi về việc quản lý hóa đơn thuế, bán hàng không xuất hóa đơn thuế ảnh hưởng đến thất thu ngân sách chứ không phải hỏi về khoán thuế” - Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội lại phải nhắc Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng lại là “Trong thời gian tới, chúng ta phải đi sâu vào tuyên truyền các giải pháp để xử lý vấn đề này”, nhưng không nêu giải pháp đó là gì.

Đối với các câu hỏi về chuyển giá và khắc phục chuyển giá, Bộ trưởng một lần nữa lại cho biết, trong các lĩnh vực đều có thể xảy ra chuyển giá nên “cần có sự phối hợp giữa các ngành cùng đồng bộ giải quyết thì tốt hơn”.

Về giải pháp để đảm bảo an toàn nợ công mà vẫn huy động được vốn cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lại nói chung chung: “Phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nợ công” và khẳng định “về kết quả, bước đầu các giải pháp đang triển khai rất là đúng”.

Về vấn đề chuyển giá, sau phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc: "Nếu Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá thì trả lời, nếu không có giải pháp đột phá thì thôi". Sau câu nhắc của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính liền ngồi xuống.

Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi cũng cho rằng, Bộ trưởng khi trả lời các đại biểu còn dài dòng, chưa đi thẳng vào câu hỏi và chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể.

“Ví dụ như câu hỏi rất hay của đại biểu về bán hàng không cung cấp hóa đơn dẫn đến trốn thuế thì giải quyết như thế nào; hay vấn đề nợ công, chuyện thuốc ung thư có thủ tục quá lâu làm cho thuốc hết hạn khi người dân không có thuốc dùng trong khi cận kề cái chết; hay thủ tục hải quan rườm rà trong tiếp nhận hàng cứu trợ lũ lụt; vấn đề chuyển giá, trốn thuế… Bộ trưởng phải đưa ra những giải pháp đáp ứng mong mỏi nguyện vọng của người dân”.

Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng, một số đại biểu cũng cho rằng Bộ trưởng trả lời quá chi tiết, dài dòng dẫn đến mất nhiều thời gian, trả lời được rất ít các câu hỏi của đại biểu. Cùng với đó, Bộ trưởng phải dùng tài liệu hỗ trợ trong khi trả lời khiến không khí chất vấn và trả lời chất vấn khá trầm lắng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, với cách trả lời cung cấp nhiều thông tin đã khiến cho câu trả lời dàn trải, không đi trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu với giải pháp cụ thể chứ không phải là cung cấp thông tin.

“Những vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng hôm nay không mới, có tính trầm kha từ nhiều năm nay, nhưng các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra cũng rất cơ bản và cũng mang tính “truyền thống”, từng được các Bộ trưởng trả lời, còn đại biểu thì mong muốn những giải pháp đột phá hơn” – ông Cường nhận xét.

“Ví dụ như giải pháp về quản lý nợ công, hiện nay luật quản lý nợ công chuẩn bị thay đổi, vậy thì Bộ trưởng có giải pháp gì để sử dụng các quy định mới trong luật này. Hoặc vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, thì với cuộc cách mạng 4.0, ngành tài chính cần có giải pháp gì để thích ứng. Nếu những việc đó tìm được giải pháp thì sẽ làm hài lòng các đại biểu hơn” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Trước đó, nói về kỳ vọng đối với phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng nhấn mạnh, khi đăng đàn, các Bộ trưởng cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình, đứng trước các vấn đề các đại biểu QH nêu ra phải xem xét kỹ tìm hướng giải quyết chứ không nên vội vàng bênh vực cho ngành, sẽ tạo hiệu ứng không tốt.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, chất vấn không phải là ném viên đá sang bên phía Bộ trưởng. Đại biểu không thể chất vấn theo kiểu “khoán trắng” cho Bộ trưởng mà phải có trách nhiệm hợp tác, giám sát cùng với Bộ trưởng giải quyết vấn đề. Đã chất vấn là phải theo đuổi đến cùng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc