Áp BOT cho dự án cao tốc Bắc – Nam: Nhiều bất cập cần xử lý

16:07, 03/11/2017
|

(VnMedia) - Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT đối với Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam…

Thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công, Dự án đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia.

Theo đó, Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của Dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 55.000 tỷ đồng; Tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án theo quy hoạch khoảng 3.736 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 1.037 ha; Dự án được Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt do Quốc hội quyết định.

Về Hồ sơ Dự án, đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư .

Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.

“Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp" - Ủy ban Kinh tế cho biết.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải GPMB theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến việc xây dựng các nút giao, đường gom bảo đảm thông tuyến, an toàn; các công trình phòng hộ và hạng mục an toàn đồng bộ, chất lượng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ các vấn đề này.

Về phương án đầu tư, mặc dù cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ phân chia Dự án thành các dự án thành phần, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.

Mặt khác, Theo Ủy ban Kinh tế, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.

BOT cao tốc bắc namẢnh minh họa

Cần giải pháp xử lý bất cập khi áp dụng hình thức BOT

Đặc biệt, về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

“Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT”- báo cáo giám sát nêu rõ.

Đối với 3 dự án thành phần còn lại, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này.

Tuy nhiên, để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn này, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ so sánh hai hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó.

Ngoài ra, đối với 2 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Dự án.

Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc