(VnMedia) - Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 trứng vích. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng trong khi Đức và Tài bị tuyên cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng.
Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 trứng vích. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng trong khi Đức và Tài bị tuyên cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng.
Vụ việc xảy ra đêm ngày 06/4/2017 khi lực lượng kiểm lâm cơ động VQG Côn Đảo phối hợp với công an huyện Côn Đảo tuần tra phát hiện bắt quả tang đối tượng Lâm Tường Xuân (thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh), có hành vi vận chuyển 30 trứng rùa biển hay còn gọi là vích (tên khoa học Chelonia mydas), một loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vụ việc trên công an huyện Côn Đảo đã lập biên bản và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để phối hợp điều tra làm rõ.
Trước đó, chiều 17/6/2016, lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia Côn Đảo bắt quả tang Phạm Văn Tân (tạm trú tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang vận chuyển 116 quả trứng rùa biển. Theo hồ sơ của kiểm lâm vườn quốc gia Côn Đảo, đối tượng Tân từng bị lập biên bản nhiều lần về hành vi trộm trứng vích, xẻ thịt vích nhưng chưa bị xử lý.
Và hôm 18/9/2017, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm đối tượng Phạm Văn Tân với hành vi vận chuyển 116 trứng rùa biển. Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án nhân dân huyện Côn Đảo sau khi xem xét các tình tiết vụ án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số đối tượng khác liên quan cũng như xác định lại tội danh đối với bị cáo.
Đây là vụ án từng rất “nóng” trên công luận về tranh luận liệu trứng rùa biển có phải là sản phẩm của rùa biển. Tuy nhiên, vấn đề này sau đó đã được làm rõ với kết luận việc buôn bán, vận chuyển trái phép trứng rùa biển và các sản phẩm khác từ rùa biển là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Phạm Văn Tân.
Từ năm 2014, các loài rùa biển, trong đó có vích đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của chính phủ. Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) phải bị xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật. Mặc dù vậy, từ đó đến nay các vi phạm liên quan đến rùa biển cũng thường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tịch thu tang vật.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển trứng rùa biển diễn ra lần đầu tiên tại Côn Đảo vừa qua là điểm sáng tích cực, thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, huyện Côn Đảo cũng như những nỗ lực đáng kể của các cơ quan điều tra, tư pháp huyện Côn Đảo trong công tác bảo vệ các loài rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV),đơn vị đã kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng buôn bán trứng, thịt rùa biển tại Côn Đảo chia sẻ: “ENV rất vui mừng trước những diễn biến mới nhất của hai vụ việc và hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan chức năng tại Côn Đảo. Dù chưa thực sự bị thuyết phục bởi bản án dành cho các đối tượng, ENV vẫn ghi nhận Côn Đảo là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển. Đây là bước ngoặt tiên phong mở đường cho các địa phương khác noi theo để cùng chung tay bảo vệ loài rùa biển.”
"ENV hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp sẽ sớm đưa ra kết luận và có biện pháp xử lý thích đáng đối tượng Phạm Văn Tân cũng như các vụ án liên quan đến rùa biển khác để răn đe, phòng ngừa vi phạm cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, sự minh bạch công tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng" - bà Hà nhấn mạnh.
Trong thời gian vừa qua, ENV phối hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã thực hiện một chiến dịch truyền thông sâu rộng nhằm bảo vệ rùa biển, đưa thông điệp “Hãy cho rùa biển cơ hội sống” đến đông đảo người dân và du khách tại Côn Đảo qua các triển lãm tìm hiểu nâng cao nhận thức về loài rùa biển, ký cam kết không sử dụng rùa biển và sản phẩm từ rùa biển tại các nhà hàng, khách sạn, áp phích trên đường phố… Mới đây nhất, một phim ngắn truyền thông về bảo vệ rùa biển cũng đã được sản xuất và phát sóng thường kỳ tại Đài phát thanh, truyền hình Côn Đảo và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc