Chậm giải quyết đơn, thư của doanh nghiệp xuất khẩu lao động: "Cái sảy nảy cái ung"!

11:07, 06/10/2017
|

(VnMedia) - Xuất khẩu lao động giờ không còn là chuyện mới mẻ, và không thể phủ nhận việc này mang đến những lợi ích gì. Tuy nhiên, có một câu chuyện hy hữu trong "làng" xuất khẩu lao động, đó là Công ty Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) gửi đơn tố cáo đích danh Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước vì “xử ép” nhằm triệt hạ doanh nghiệp cho thấy những mảng tối trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Sau hơn 4 tháng gửi đơn tố cáo tới Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đến nay Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (Vihatico) vẫn  mỏi mắt chờ Bộ giải quyết. Tuy nhiên, mới đây Vihatico đã  phải gửi đơn khẳng định mình không hề rút đơn tố cáo trước đây đã gửi mặc dù Bộ này đã nhận  được đơn như vậy đứng tên VIHATICO…

Vì đâu nên nỗi?

Ngày 15/3/2017, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục QLĐNN ký quyết định số 291/QLĐNN gửi Công ty Vihatico tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Theo đó Cục sẽ tạm dừng việc tiếp nhận các hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đối với tất cả các thị trường của công ty trong thời gian đoàn thanh tra tiến hành thanh tra tại công ty; Tạm dừng việc xem xét đối với các hợp đồng cung ứng lao động công ty đang trình Cục trong thời gian đoàn thanh tra tiến hành tiến hành thanh tra. Sau khi có kết luận chính thức của đoàn thanh tra, Cục sẽ "căn cứ vào kết luận để báo cáo Bộ về việc tạm dừng tiếp nhân xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng của công ty". 

Đơn tố cáo đích danh Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước vì
Đơn tố cáo đích danh Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước vì "xử ép" nhằm triệt hạ doanh nghiệp

Theo ông Lưu Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vihatiico, thì nguyên do của văn bản này là do trước đó có 1 lao động của Vihatico bỏ trốn ra ngoài làm việc trái hợp đồng tại Đài Loan nên ông Nam đã báo cáo vụ việc và yêu cầu thanh tra Vihatico. Tuy nhiên khi việc thanh tra còn chưa thực hiện thì ông Nam đã ký công văn số 291/QLLĐNN gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Tháng 5/2017, ông Lưu Quang Bình đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tố cáo ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã ký 2 văn bản (trong đó có văn bản 291) và tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành 2 văn bản: công văn 4732/LĐTBXH- QLLĐNN ngày 18/11/2015 về việc chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản và công văn số 1123/LĐTBXH- QLLĐNN ngày 6/4/2016 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản nhưng thực chất là áp đặt thêm các điều kiện kinh doanh trái pháp luật gây khó khăn cho các doanh nghiệp.     

Trong khi đang chờ sự giải quyết của Bộ LĐ-TB&XH thì đầu tháng 9/2017, VIHATICO được Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH mời đến làm việc với nội dung nhằm xác định đơn đề ngày 25/8/2017 có đóng dấu VIHATCO gửi Bộ LĐ-TB&XH xin rút đơn khiếu nại tố cáo ông Tống Hải Nam, Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước, người ký công văn 291/QLLĐNN-TTr dừng toàn bộ hoạt động XKLĐ gây thiệt hại nặng nề cho Công ty VIHATICO.

Tại buổi làm việc ngày 12/9/2017 với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, ông Lưu Quang Bình khẳng định đơn đề ngày 25/8/2017 mà  Bộ LĐ-TB&XH nhận được không phải do ông Bình viết, chữ ký và con dấu trên đơn không phải của Vihatico. Ông Bình khẳng định vẫn giữ nguyên các nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ban hành công văn 291/QLLĐNN-TTr ngày 15/3/2017 của Cục quản lý lao động ngoài nước và Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Lưu Quang Bình cho biết, trước thời gian Bộ LĐ-TB&XH nhận được đơn giả mạo xin rút đơn tố cáo khiếu nại  kể trên  thì một số người ở một DN khác đã cố gắng thuyết phục VIHATICO rút đơn tố cáo đối với ông Tống Hải Nam. Theo như ông Bình nói thì người thuyết phục đã đưa ra những lợi ích cụ thể dành cho VIHATICO cũng như lời đảm bảo từ một Giám đốc sở LĐ-TB&XH của một tỉnh khác. Đó là, sẽ cấp nhanh giấy phép mới cho  VIHATICO mà không mất phí "bôi trơn", không cần ký quỹ 1 tỷ đồng theo Luật định.

Ngày 5/9/2017 trong đơn thư của ông Bình gửi cho Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ TB& XH và ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết tên một cán bộ Phòng Pháp chế tổng hợp - Cục QLLĐNN đã gọi điện thoại cho con trai ông Bình, hẹn gặp và nhờ con trai ông Bình thuyết phục ông Bình  rút đơn.

Giấy phép con trong lĩnh vực XKLĐ?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2017, một số các doanh nghiệp XKLĐ thuộc Ngành lao động đã liên tục làm đơn kêu cứu bởi một loạt công văn mang dạng “Giấy phép con” như : Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 và công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 6/4/2016 thay thế 4732/LĐTBXH-QLLĐNN. Dựa trên các công văn này Cục QLLĐNN đã đòi  các DN muốn XKLĐ phải đạt  đầy đủ các điều kiện cụ thể đề ra trong công văn như các điều kiện về cán bộ, bộ máy, cơ sở vật chất.

Dẫn chứng từ ông Bình cho thấy, ngày 18/11/2015, Bộ này ra công văn số 4732 chỉ đạo các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động XKLĐ. Việc làm này ít nhiều hạn chế sự bát nháo của thị trường XKLĐ nhưng khiến nhiều doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.

Quy định các doanh nghiệp phải báo cáo một số nội dung về Cục QLLĐNN trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được công văn nếu không sẽ bị dừng thị trường Nhật Bản. Lợi dụng văn bản này, ngày 26/01/2016, ông Tống Hải nam, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN ký công văn số 113/QLLĐNN-NBCADDNA dừng việc thẩm định hợp đồng và cấp thư phái cử đưa lao động sang Nhật Bản vô thời hạn đối với 35 doanh nghiệp vì lỗi không báo cáo kịp trong 30 ngày đã thể hiện sự tùy tiện và vô trách nhiệm của Cục này”- ông Bình nói.

Theo ông Bình và nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực, lỗi không báo cáo có qui định xử phạt hành chính rất rõ ràng trong Nghị định 95/CP, mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi “không báo cáo đột xuất, định kỳ về hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” nên việc dừng doanh nghiệp bằng công văn của Cục là lạm quyền, trong khi đó công văn của Cục QLLĐNN lại không ghi rõ thời hạn và điều kiện để mở lại cho doanh nghiệp hoạt động.

Rồi đến câu chuyện giấy phép to, có sự thiếu minh bạch?

Sự chậm trễ giải quyết đơn thư của VIHATICO và vận động DN này bãi nại bằng cam kết cấp phép mới nhanh gọn đang đặt thêm nhiều câu hỏi nổi cộm cho Cục QLLĐNN, Bộ LĐTB&XH về quy trình cấp, đổi giấy phép thiếu minh bạch, đầy tai tiếng hiện nay.

Nếu VIHATICO rút đơn khiếu kiện thì ai, bằng cách gì để họ thực hiện cam kết cấp giấy phép mới cho VIHATICO ? Liệu ai đó có thể giúp VIHATICO lách Luật bằng cách lập công ty mới rồi cấp giấy phép cho công ty này? Liệu kiểu cấp, đổi giấy phép như trường hợp của TCty Công trình giao thông 8 (Cienco8) còn tồn tại nữa hay không? (Tức bị Thanh tra Bộ phạt,đình chỉ hoạt động để kiện toàn bộ máy 2 tháng và sau đó kiến nghị thu hồi giấy phép vì DN này không đủ điều kiện hoạt động thì ngay trong thời gian này DN vẫn được Cục QLLĐNN trình Bộ LĐTBXH cấp lại giấy phép).

Hay việc thu hồi giấy phép do không làm thủ tục đổi giấy phép XKLĐ trong thời hạn 30 ngày sau khi được cấp lại  Đăng ký kinh doanh theo qui định của Luật sẽ được thực hiện như thế nào với vài chục bộ hồ sơ hiện đang nằm chờ ở Cục QLLĐNN, trong khi công ty Cổ phần phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt nam (Petromanning JSC) đã bị thu hồi giấy phép do lỗi này?

Đức Hoài


Ý kiến bạn đọc