Đền bù giải phóng đất Long Thành: Giá lên rất nhanh, tiền vào túi ai?

18:31, 27/10/2017
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội cho biết, người dân “thổ cư” xung quanh khu vực sân bay Long Thành đã bán hết đất cho các “cán bộ” và giá đất đang lên rất nhanh. Tiền đền bù cũng sẽ tăng theo nhưng lại rơi vào túi chủ đất mới…

Long Thành
Giá đất khu vực sân bay Long Thành đang lên rất nhanh do "cán bộ" mua - ảnh minh họa

Sáng ngày 27/10, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm (Đại biểu tỉnh Kon Tum), đây là dự án lớn, có rất nhiều vấn đề nhưng chỉ mới nghiên cứu báo cáo đã thấy các con số “chạy”, “đợt trước con số khác, giờ con số khác”.

“Dân TP Hồ Chí Minh đổ xô về Long Thành để mua đất. Cán bộ ký rất nhiều. Dân ở Long Thành không bao giờ ở được đất này đâu, dân Long Thành sẽ lên Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk ở, họ sẽ lên đây phát triển kinh tế. Còn đất này họ bán, cán bộ nhận hết rồi”, Thượng tướng Lê Chiêm nêu.

“Tôi nghiên cứu hồ sơ trước đây và hồ sơ bây giờ thì giá đã chênh nhau gần 50% rồi. Mà ai chịu cái này? Nhà nước mình chịu chứ ai chịu? rồi nhân dân gánh chứ ai gánh”, Thượng tướng Lê Chiêm thẳng thắn nói. Theo Thứ trưởng Lê Chiêm, Quốc hội phải cân nhắc lại và nghiên cứu kỹ quy trình.

“Việc này phải giao Chính phủ đứng ra, phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Trung ương”, ĐB Lê Chiêm nêu quan điểm và cảnh báo, sau này Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ tán thành 99%, Chính phủ làm theo hồ sơ trình ra thì rồi Quốc hội chịu khuyết điểm.

Trong khi đó, Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng nói: “Tôi sợ ở Long Thành, cán bộ các cấp mua nhà ở đấy, còn người trực tiếp sản xuất ở đấy thì không phải là chủ đất. Tiền đền bù không rơi vào hộ trực tiếp sản xuất mà rơi vào hộ có đất”.

ĐB Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) thì e ngại về vốn của dự án. Theo ông, dự án Long Thành thu hồi đất rất lớn, đền bù khoảng hơn 23 nghìn tỷ, trong khi ngân sách mới bố trí được 5 nghìn, không biết còn phát sinh nữa không?

Cùng nỗi e ngại ngày, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đặt vấn đề: “Còn thiếu từ 15.000 đến 18.000 tỷ đồng mà giải pháp thì chưa rõ". Ông Chính đề nghị tiết kiệm chi thường xuyên mỗi năm 1%, trong vòng 2 năm. “Tiết kiệm trong vòng 2 năm là có 20.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Tôi nghĩ, chúng ta có thể làm được bởi dư địa cho phép chúng ta làm”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu ý kiến.

Ông Phạm Minh Chính cũng nêu lên  một thực tế, đó là hiện nay đang chi thường xuyên lên đến 65% tổng chi ngân sách Nhà nước. Con số này tăng 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2011 nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào chi lương và các khoản phụ cấp.

“Tôi nghĩ chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện tiết kiệm thôi, cũng có lúc phải thắt lưng buộc bụng, mà thặt lưng buộc bụng không nhiều chỉ cần 1% trong vòng 2 năm là có thể làm được”, ông Phạm Minh Chính khẳng định và cho rằng, trong 20.000 tỷ đồng cần tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, mỗi tỉnh, thành chỉ cần “góp gió sẽ thành bão”.

Trong khi đó, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu lo lắng đến sinh kế của người dân vì ông đã đi kiểm tra thấy nhiều khu tái định cư rất khó khăn. Ông đề nghị phải làm sao để nơi tái định cư phải có trường học, chợ, dịch vụ… bảo đảm phục hồi thu nhập của người dân.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc