(VnMedia) - TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học “Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp” đã nói: Không thể trấn lột người dân, bởi người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu.
Ông Dũng cho rằng: “Không thể trấn lột người dân, bởi người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu. Đường tránh ở một chỗ, đặt trạm thu phí ở một chỗ là không thể được. Rõ ràng phải sửa ngay điều này, bởi vì có trả một đồng thôi, nhưng bất công là người dân không chịu đâu. Phải bỏ ngay chuyện đó, phải rời trạm thu phí. Không thể trấn lột người dân được!
Cái thứ hai phải sửa, là không thể cân điêu cho người dân được. Người ta không đi trên đường anh đặt trạm thu phí, nhưng mỗi lần đi qua, anh thu của người ta là anh cân điêu cho người ta. Đó là chưa kể anh đặt trạm thu phí ở đó làm cho đời sống của người ta hết sức khó khăn. Phải tính khác, và phải miễn phí cho người ta, thậm chí phải hỗ trợ cho người ta vì cuộc sống của người ta bị ảnh hưởng khi đi qua đi lại trạm thu phí đó.
Thứ ba, rõ ràng đường chỉ “tráng” lại mà thu là phải bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào anh giải trình phí bảo trì đường bộ làm gì, mà khi láng lại đường anh thu lần nữa. Không thể có chuyện đó!
Thứ tư, anh mở rộng con đường đã có sắn thì phải làm minh bạch chỗ anh mở rộng, mở thêm hai làn thì không thể thu như xây cả con đường.
Thứ năm, phải xem xét lại tất cả các hợp đồng, bởi vì anh nhân danh người dân, nhân danh xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại tất cả. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải không được công nhận.
Để minh bạch, thì chỉ có cách là áp đặt chế độ thu bằng tự động để có được số liệu chính xác. Bây giờ bất hợp lý, người dân phải oằn cổ ra trả cho bộ máy thu rất là lớn, vì đó là lấy tiền của người dân để trả cho hàng trăm người ngồi thu. Những cái gì không có căn cứ đều phải bị cắt, thời gian phải được tính lại. Làm cái này không có nguy cơ bị phá sản, nên không thể cộng vào lãi suất rất cao được.”
Trao đổi thêm bên lề buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết và với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Ngược lại, theo ông Dũng, việc tài xế sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí không cấu thành tội phạm, bởi không được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào cho rằng, người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, quốc lộ 5 là đúng bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ.
Ông Cường cho biết, ở Lào không có trạm BOT giao thông bởi lưu lượng giao thông không đáng thu. Nhà nước bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây các công trình giao thông và không lập trạm thu phí. Còn tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù đường giao thông nước này tốt hơn nhiều lần so với Việt Nam.
“Thỉnh thoảng họ bảo dưỡng, sửa chữa nhưng không thu phí” - ông Cường nói.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc