Báo cáo về tham nhũng phải nêu địa chỉ cụ thể

19:54, 19/09/2017
|

(VnMedia) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các báo cáo về phòng chóng tham nhũng phải nêu những nội dung, những điều, những địa chỉ thật cụ thể chứ không thể chung chung, không biết ở đâu trong 63 tỉnh thành phố…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Báo cáo Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp đánh giá, Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ; nêu được những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

So với năm 2016, việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các tội phạm về tham nhũng tăng.

Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều (số vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng do cơ quan điều tra cấp Trung ương tiến hành điều tra, Viện KSND Tối cao kiểm sát điều tra bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 31/36 vụ, chiếm 86,1%).

Cơ quan thanh tra đã ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.180 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ/176 đối tượng. Cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra. Vẫn còn có trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra.

Đáng lưu ý, kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp cũng như kết quả các đoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do cơ quan điều tra ở Trung ương điều tra.

Theo Ủy ban Tư pháp, đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, trong đó có nguyên nhân từ việc “khép kín” trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh của nhiều tỉnh trong việc tự xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng.

Ở một số tỉnh phát hiện được tham nhũng thì chủ yếu là do có đơn tố cáo hoặc do mâu thuẫn nội bộ.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú ý đến việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực này.

Ủy ban Tư pháp đánh giá, việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ…

Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra, một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”; có trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, là người thân trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ… Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân về công tác chống tham nhũng.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có một nội dung mà các báo cáo cần tập trung phân tích, đề cập, đó là trách nhiệm, việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

“Có những vụ việc, khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là không có gì, không phát hiện ra gì, nhưng khi bị phát giác, bị phát hiện ra thì lại rất to. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đây là gì?”, ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm. Ông Cương cũng nhấn mạnh cần phải có các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng hành chính hóa các vụ án hình sự, vì thực trạng này thời gian qua đã xảy ra không phải là ít. Những biểu hiện tiêu cực là rõ ràng, nhưng không được xem xét và xử lý đúng mức, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về tính nghiêm minh của pháp luật...

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các báo cáo phải thực sự nêu được cái mới, cái nổi bật so với các năm trước; không nên để những cụm từ chung chung như: “Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập”, mà không biết bất cập ở luật nào, điều nào; “sự phối hợp giữa các cơ quan còn lúng túng, thiếu chặt chẽ”, nhưng không biết cơ quan nào; “vai trò của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được đề cao”, mà không biết địa chỉ cụ thể ở đâu trong 63 tỉnh thành phố;…

Theo Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo phải nêu những nội dung, những điều, những địa chỉ thật cụ thể.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc