Vỡ òa hạnh phúc cặp vợ chồng liệt cả hai chân sinh con

18:16, 19/08/2017
|

(VnMedia) - Có chồng là người liệt hai chân, bản thân lại là người vừa bị liệt, vừa bị cong vẹo cột sống, nhưng với suy nghĩ “có chết cũng phải được làm mẹ”, chị Trương Thị Hà (xã Tế Thắng, Nông Cống, Thanh Hóa) đã vượt qua mọi thử thách, kể cả sự nguy hiểm đến tính mạng để mang thai.

Vợ chồng liệt sinh con
Vợ chồng anh Năm - chị Hà và bé Lê Trương An Phúc

Bé Lê Trương An Phúc đã ra đời nhờ sự quyết tâm đến mức “lì đòn” theo như cách mà người mẹ dung cảm đó tự gọi mình.

Chia sẻ với niềm hạnh phúc vô bờ bến, vợ chồng chị cho biết, chị năm nay 39 tuổi, còn anh kém chị 6 tuổi. Chị bị bại liệt từ nhỏ, còn anh cũng không may mắn bị liệt do tai nạn ngã cây năm 19 tuổi.

Không phân biệt tuổi tác hai vợ chồng chị đến với nhau như một cái duyên trời định, mà chính những người thân thiết trong gia đình cũng không thể ngờ được.

Anh vốn là chàng trai xứ Thanh rất đẹp trai, nhưng một vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân, khiến cuộc đời anh phải dựa vào chiếc xe lăn suốt đời.

“Lúc biết mình không thể đứng trên đôi chân của mình, tôi đã như một cái xác không hồn, mọi ước mơ hoài bão đã chôn vùi tất cả, thậm chí tôi coi như cuộc đời mình đã chấm hết và không ít lần muốn rời bỏ thế giới hiện tại” – anh Năm kể.

 Nhưng rồi, mọi thứ đã thay đổi với cuộc đời anh khi anh gặp, yêu và lấy chị Hà làm vợ. Chỉ có điều, trớ trêu thay, chị Hà không chỉ bị bệnh bại liệt phải ngồi xe lăn từ khi còn tấm bé, mà còn bị cong vẹo cột sống, hai tay cũng rất yếu. Họ gặp nhau ở một lớp học tin học, rồi có cảm tình, rồi yêu, rồi vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau, thành vợ thành chồng.

Khi hạnh phúc lứa đôi đã đủ đầy như những cặp trai tài, gái sắc khác, thì ước mơ làm mẹ, làm cha bắt đầu nhen nhóm, rồi ngày càng thôi thúc. Nhưng để có được một đứa con khi anh thì bị liệt, và đặc biệt là với người tật nguyền nặng như chị Hà, là điều mà bất cứ ai cũng biết rằng quá khó khăn.

Tìm hiểu, cân nhắc mãi, rồi anh chị chọn Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội để nuôi ước mơ làm cha, làm mẹ. Nhưng tại đây, anh chị đã nhận tin “sét đánh” khi bác sĩ cho biết, tinh trùng của anh thuộc dạng bất động, bị dị dạng nên xác suất có thai không cao.

Tiếp nhận ca bệnh khá đặc biệt Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho chia sẻ: “Đây là một ca bệnh rất khó vì người chồng không có tinh trùng, vợ liệt ngồi một chỗ. Một người bị liệt mang thai sẽ khó khăn gấp trăm vạn lần người bình thường. Tôi đã khuyên bệnh nhân không nên mang thai vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cương quyết mong muốn được làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi đã bị lay động trước khát khao làm mẹ của chị Hà”.

Bác sĩ Lê Thu Hiền
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền

Lần đầu tiên chuyển phôi tươi của vợ chồng chị Hà bị thất bại, nhưng vợ chồng chị không hề bỏ cuộc kiên trì theo đổi. Trong lần thứ hai chuyển phôi vợ chồng chị Hà đã thành công.

“Sau lần đầu thất bại, tôi đã tự động viên mình: phải thật kiên trì, thật “lì” thì mới mong có được con. Có người làm đến 6-7 lần mà họ còn quyết tâm cơ mà? Nhưng rồi, chúng tôi thật may mắn khi đến lần thứ 2 là thành công” - Chị Hà chia sẻ.

Với người khác, đậu thai là một thành công gần như chắc chắn, còn với chị, là một hành trình căm go, nguy hiểm bắt đầu.

Đối mặt với nguy hiểm và hạnh phúc vỡ òa

Chị Hà tâm sự, trong suốt thời gian mang bầu, chị phải nằm bất động trên giường, mọi sinh hoạt đều ở trên giường và phải nhờ người khác hỗ trợ.

Nhưng dù kiêng cữ rất kỹ nhưng chị Hà cũng chỉ cố gắng mang thai con được tới 8 tháng thì bị vỡ ối và phải mổ thai cấp cứu. “Thời gian mang thai lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo lắng, 3 tháng đầu thì sợ sảy sớm, 3 tháng cuối thì sợ sinh non.” - chị Hà nhớ lại.

“Thực tế là đã có lúc cơ hội của vợ tôi chỉ còn 1/100, nhưng may mắn cho vợ chồng chúng tôi, trong thời gian này, các bác sĩ đã người thân ruột thịt, lo lắng giúp đỡ, gọi điện nói chuyện, tư vấn, động viên vợ tôi cố gắng, áp dụng những biện pháp để dưỡng thai an toàn…” – anh Năm kể.

Và rồi, sau hơn 4 năm chờ đợi, bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, sự dũng cảm đối mặt với nguy hiểm của chị đã được đền đáp. Bé Lê Trương An Phúc ra đời ngày 1/5/2017, nặng 2,7kg, khỏe mạnh và hoàn toàn lành lặn.

“Chỉ khi nghe tiếng khóc của con tôi mới thở phào nhẹ nhõm, khóc trong niềm hạnh phúc”, chị Hà nói.

“Có được đứa con này chúng tôi đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thời gian đi lại phải tính tới hàng nghìn km. Riêng vợ tôi cô ấy đã phải đánh cược cả tính mạng của mình để tôi có được thiên chức làm bố. Trong thời gian mang thai do phải nằm quá nhiều vợ tôi bị xẹp cả phổi” - Anh Nam chia sẻ.

Có mặt trong số hàng trăm cặp vợ chồng và các em bé tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm dự Hội thảo 5 năm thành lập bệnh viện, anh Nam và chị Hà đã rất xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ của bệnh.

“Điều khiến tôi cảm thấy tuyệt vời nhất, đó là ở đây, tôi đã được đối xử như một người hoàn toàn bình thường, không bị phân biệt, kỳ thị. Nếu không có bác sĩ Hiền động viện ủng hộ và giúp đỡ hết mình, chúng tôi khó lòng có được kết quả mỹ mãn như ngày hôm nay”, chị Hà nói.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc