Hà Nội: Vừa phun thuốc, vài tiếng sau đã thấy muỗi vo ve, vì sao?

06:49, 18/08/2017
|

(VnMedia) - Nhiều người phàn nàn khi thấy cán bộ y tế dự phòng vừa đến phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết hôm trước, hôm sau đã lại thấy muỗi vo ve bay. Còn chuyên gia côn trùng thì nhấn mạnh: “Thậm chí chỉ vài tiếng sau đã có muỗi". Vì sao?

Phun thuốc diệt muỗi
Phun thuốc diệt muỗi ở Hà Nội

Tại Hà Nội, đang có một nghịch lý là trong khi dịch sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp với số ca mắc tăng chóng mặt thì nhiều nhà dân lại đóng cửa cố thủ trong nhà hoặc tìm mọi lý do như nhà có người ốm, có trẻ nhỏ… để không cho đội chống dịch vào phun thuốc diệt muỗi.

Lý do nhiều người phản đối việc phun thuốc là vì họ sợ thuốc diệt muỗi sẽ gây độc cho sức khỏe của mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, thay vì để các cơ quan của sở Y tế phun thuốc, nhiều người đã tự mua hương muỗi về thắp hoặc tự mua bình xịt muỗi về xịt mà không biết rõ nguồn gốc cũng như tác dụng phụ của các loại thuốc, hương này.

Một lý do khác cũng được nhiều người phàn nàn và truyền tai nhau, đó là thuốc diệt muỗi của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội không hiệu quả, vừa phun hôm trước, hôm sau muỗi đã lại bay vo ve trong nhà.

Trước thực tế này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tấn Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) xung quanh vấn đề thuốc diệt muỗi mà đơn vị này đang sử dụng phun trên toàn địa bàn Thành phố.

- Xin ông cho biết thông tin về loại thuốc diệt muỗi mà Hà Nội đang sử dụng để chống dịch trên địa bàn Thành phố?

Trên thế giới có 4 nhóm hoá chất diệt côn trùng, thì 3 nhóm đang bị hạn chế sử dụng tại Việt Nam là nhóm Chlo hữu cơ, nhóm carbamat và nhóm Phospho hữu cơ. Chỉ còn nhóm Nhóm pyrethroid đã và được phép sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đây là loại hóa chất gây hiện tượng choáng độc nhanh, muỗi sẽ bị liệt thần kinh và chết. Nó cũng có tác dụng xua một số loại côn trùng, nhưng lại cũng độc với cá và động vật thuỷ sinh khác. Tuy nhiên, thuốc này có độ độc cấp tính thấp đối với con người và động vật máu nóng. Nó cũng nhanh chóng phân huỷ trong cơ thể sống và trong môi trường.

Khi phun thuốc ở dạng sương, các hạt sương này sau đó sẽ lơ lửng trong không gian, phát tán, luồn vào tất cả những ngóc ngách, khe kẽ và diệt các con muỗi trưởng thành.

- Dù dịch bệnh hiện nay đang lan rộng, nhưng nhiều gia đình vẫn lo ngại về tác hại của loại thuốc này. Xin ông cho biết, nếu người hít phải hay thuốc rơi vào thức ăn thì có gây hại cho sức khỏe không?

Tất cả các loại hóa chất đều có khả năng gây dị ứng, trong đó thuốc muỗi cũng vậy. Ví dụ như một trường học vừa rồi đã dùng loại thuốc Fedona, là loại gây dị ứng mạnh, đặc biệt là với trẻ em. Còn loại mà Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang dùng là nhóm deltamethrin, tên thương hiệu là Hatox 200, nguyên liêu nhập ở nước ngoài và trong nước sản xuất.

Thuốc này cũng có tác dụng phụ của là khi hít vào có thể gây kích ứng, hoặc nếu chẳng may vương vào quần áo thì có thể gây dị ứng nếu bản thân người đó có cơ địa dị ứng với hóa chất. Tuy nhiên, với nồng độ quy định để diệt muỗi thì sẽ không ảnh hưởng gì đến động vật máu nóng, trong đó có người.

Ngay cả các loại thuốc phun ban đêm, số lượng lớn ở đường phố hoặc các công trình xây dựng thì cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dân vì sau khi phun, gió sẽ phát tán thuốc nhanh. Hơn nữa, đây là nhóm thuốc hữu cơ, khi ra ngoài môi trường sẽ bị phá hủy rất nhanh và không bị tồn lưu trong đất, không nhiễm vào nguồn nước.

Vừa diệt muỗi xong, bọ gậy lại nở thành muỗi

- Một số người đã phản ánh rằng, thuốc muỗi vừa phun hôm nay nhưng ngày mai lại đã thấy có muỗi bay vo ve trong nhà. Như vậy, có phải là do thuốc không có tác dụng hay đã bị kháng thuốc?

Thuốc phun muỗi chỉ diệt tức thì con muỗi đang hoạt động, nhưng chỉ vài tiếng sau, hơi thuốc phát tán hết. Lúc này, nếu đúng thời điểm bọ gậy nở ra muỗi thì nhà lại có muỗi chứ không phải chờ đến ngày hôm sau vì thuốc không diệt được trứng hay bọ gậy.

Ngoài ra, trong môi trường có hai loại muỗi, một là loại muỗi gây sốt xuất huyết thường chủ yếu hoạt động ban ngày và một loại muỗi gây bệnh viêm não, sốt rét… lại hoạt động ban đêm. Do vậy, ban ngày loại muỗi này bay ra ngoài, đó cũng là thời điểm chúng ta phun thuốc nên loại muỗi này không chết. Tối đến, khi chúng ta mở cửa sổ thì muỗi lại bay vào nhà. Mỗi loại muỗi truyền một loại bệnh khác nhau và có tập tính hoạt động khác nhau. Đó là lý do mà dù mới phun thuốc nhưng đã lại có muỗi ngay. 

- Vậy tại sao chúng ta không phun thuốc lên tường để chống muỗi lâu dài mà lại chỉ phun sương có tác dụng tức thì?

Phun lên tường là kiểu phun tồn lưu, có tác dụng vài tháng tùy theo nồng độ và hóa chất. Tuy nhiên, loại thuốc tồn dư thì phun rất lâu, một người trong một tiếng chỉ phun được 200m2. Phun như vậy kinh phí công và hóa chất rất đắt. Trong khi đó, diệt xông hơi, nhanh và được diện tích lớn. Đặc biệt là trong việc dập dịch hiện nay, mục tiêu của chúng ta là diệt nhanh những con muỗi đang mang mầm bệnh, phải diệt ngay, trong phạm vi rộng.

Ngoài ra, các nhà khoa học chứng minh việc phun thuốc tồn lưu có tác dụng với các loại muỗi khác, nhưng lại không có tác dụng nhiều với loại muỗi sốt xuất huyết vì loại muỗi này ban ngày nở ra là đốt người luôn. Nó cũng chủ yếu đậu vào quần áo có hơi người, rất ít đậu trên tường.

- Hiện nay, nhiều người dân đã tự mua bình xịt muỗi về để sử dụng. Các bình xịt này có tác dụng gì đối với muỗi sốt xuất huyết không, thưa ông?

Các loại thuốc dạng bình xịt mà người dân hay mua về sử dụng đều có tác dụng diệt muỗi, nhưng lưu ý phải có số đăng ký của Bộ Y tế cho phép phun trong nhà và đồ gia dụng, được dùng cho người, bởi có loại chỉ được dùng trong nông nghiệp. Loại thuốc này rẻ hơn nên hay bị lạm dụng. Khi mua hoặc ngay cả thuê các đơn vị vào phun thuốc, người dân cũng cần phải xem bình thuốc còn nguyên, chưa mở. Trong mùa dịch, các gia đình nếu có các loại bình này thì nên phun trước khi đi làm, hoặc nhìn thấy con muỗi bay thì xịt vào cũng rất tốt.

- Ông có thể cho biết cơ chế hoạt động và gây bệnh của muỗi sốt xuất huyết như thế nào?

Khi muỗi đốt người bệnh và bị nhiễm virus, lượng virus này tiếp tục bị nhân lên và truyền bệnh trong cả vòng đời của nó (khoảng 1 tháng). Chỉ cần một con muỗi mang mầm bệnh là có thể truyền bệnh cho cả nhà. Nguy hiểm hơn, khi con muỗi mẹ bị truyền qua trứng, muỗi con nở ra tiếp tục truyền bệnh.

Điều đáng lưu ý là muỗi này khi đẻ vào một chỗ nào đó có nước ngập thì chỉ nở khoảng 75% thôi. Số trứng còn lại dính ở vị trí khô đó có thể sống trong vòng 6 tháng, khi gặp nước lại tiếp tục nở ra. Vì vậy, khi đổ nước ở chum vại, bình hoa hoặc thay nước ở bình cắm cây cảnh… thì phải cọ rửa thật kỹ lọ và rửa kỹ rễ cây để cho trứng muỗi bong ra rồi mới úp ngược xuống. Như vậy, việc diệt muỗi sốt xuất huyết mới triệt để.

- Cuối cùng, ông có lời khuyên nào đối với người dân trong phòng sốt xuất huyết?

Để phòng sốt xuất huyết, vào mùa dịch cần mặc áo dài, quần dài, nhất là vào buổi sáng và chiều tối vì đó là chu kỳ mà muỗi hoạt động mạnh. Dùng lưới che chắn để muỗi không bay vào nhà; dùng bình xịt diệt muỗi trong gia đình hoặc có thể dùng các loại lá có dầu để xua muỗi; nằm màn ban ngày; phun hóa chất diệt muỗi và loại trừ ổ bọ gậy trong nhà. Quan trọng nhất là không để có môi trường cho muỗi sinh sản và loăng quăng, bọ gậy sống.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hải (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc