Tiếp tục phạt những hộ dân không phối hợp phòng dịch sốt xuất huyết

19:23, 13/07/2017
|

(VnMedia) - Với tình hình dịch bệnh sốt xuất hiên diễn biến phức tạp, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp không chịu phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch.

Hiện nay đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết hoành hành ở nhiều địa phương. Hiện cả nước đã có hơn 45.000 ca mắc, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, tại Hà Nội số ca mắc tăng gần 300%, trong đó có 1 ca tử vong.

Bên lề cuộc gặp mặt báo chí cung cấp tình hình dịch bệnh mùa hè, trao đổi với VnMedia về trường hợp Hà Nội mới đây đã xử phạt một hộ kinh doanh 2 triệu đồng vì không phối hợp trong phòng chống dịch sốt xuất huyết (hộ kinh doanh lốp ô tô để nước mưa đọng gây ổ muỗi), ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là trường hợp đầu tiên của Hà Nội bị phạt. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt từ năm ngoái, đến nay đã phạt hơn 100 trường hợp,…

“Đây là vấn đề có tính chất cộng đồng, xử phạt theo Nghị định 176 về vi phạm trong phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi tiến hành, đầu tiên chúng ta phải thông báo, nhắc nhở và sau đó không thực hiện thì sẽ phạt. Hà Nội cũng thấy rằng sẽ phải tiếp tục xử phạt” - ông Phu nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng chia sẻ, có ý kiến cho rằng phạt  người dân là khó. “ Tôi cho rằng, việc này có ý nghĩa cộng đồng, đã được nhắc nhở trước mà không thực hiện thì phải phạt. Đây là việc sẽ phải làm mạnh trong thời gian tới” - ông Phu nhấn mạnh.

lốp ô tô
Lốp ô tô để ở nơi không có mái che khiến nước mưa đọng lại gây ổ dịch sốt xuất huyết - ảnh minh họa

Về những trường hợp người dân trong vùng dịch đóng cửa, từ chối, không đồng ý để cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc diệt muỗi, ông Phu cho biết, hiện vẫn đang tuyên truyền nhắc nhở, thuyết phục và bước đầu mới chỉ phạt các trường hợp để mất vệ sinh, gây bệnh.

Về trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội mà VnMedia đã đưa tin, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói: “Chúng tôi đã đánh giá kiểm điểm trường hợp tử vong vừa qua của Hà Nội, khi đi vào bệnh viện không phải là chuyên khoa và cho rằng đó không phải là sốt xuất huyết. Chỉ đến khi bệnh nặng mới vào Viện Nhiệt đới thì không cứu kịp”.

“Chúng tôi khuyến cáo, tất cả những người dân bị sốt, nghi ngờ thì phải đến cơ sở y tế. Các bác sĩ làm công tác điều trị cũng phải nhạy cảm, trong thời điểm này thì phải nghĩ đến sốt xuất huyết để loại trừ. Nếu không phải thì mới dùng các cách điều trị khác. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không dùng thuốc hạ sốt có thể gây xuất huyết (ví dụ những thuốc có thành phần gây xuất huyết như Aspirin...) và chỉ nên dùng các loại thuốc chỉ có thành phần paracetamol” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Ông Phu cũng cho biết, Cục đã đề nghị Hà Nội cần đi kiểm tra, những trường hợp nào được khen thưởng, những trường hợp nào phải kỷ luật, khiển trách, kiểm điểm và phải xử phạt.

“Trước mắt phải xử phạt những công trường, xí nghiệp, những hộ lớn, còn những hộ nghèo không có tiền nộp phạt thì phải thông báo trên các phương tiện thông tin để người dân thấy rằng, những người đó đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng và chính cộng đồng phải đấu tranh với những người không thực hiện” - ông Phu nêu quan điểm.

Theo ông Phu, một trong những điều vô cùng cần thiết là phát hiện dịch sớm, khi chưa lây lan thì tổ chức bao vây, thông báo cho người khác để phòng bệnh, phun thuốc để giải quyết ổ dịch.

Phòng dịch: Vệ sinh nơi ở và thân thể là quan trọng nhất

Cũng tại buổi hội thảo, báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho biết, 6 tháng đầu năm đã có 10 ca tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc viêm não. Trong khi đó, số ca tử vong do dại là 35 trường hợp. “Tất cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn”, ông Phu thông tin.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H5N6), cúm A(H5N1) ở người. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố lại liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Kết quả xét nghiệm 1.370 mẫu cho thấy: cúm A(H1N1) chiếm 9,3%, cúm A(H3N2) chiếm 2,5%, cúm B chiếm 7,9%...

Cảnh báo về sự nguy hiểm của các dịch bệnh mùa hè Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mùa hè có nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát như thực phẩm không an toàn, xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sạch… làm gia tăng các bệnh đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển. Ngoài ra, sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng là những nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian tới, theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, ngành Y tế chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch; kiệt toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân đảm bảo không lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.

Đồng thời, ngành Y tế sẽ tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cả nước, không để còn vùng lõm về tiêm chủng; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin viêm não; tăng cường tiếp cận điểm tiêm vắc xin phòng dại; đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin đảm bảo cung cấp đầy đủ và sẵn sàng.

Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, với người dân, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Người dân cũng cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý…

Ngoài ra theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

“Người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ...). Đặc biệt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc