Muỗi gây sốt xuất huyết chỉ thích nước sạch và đốt ban ngày

16:53, 24/07/2017
|

(VnMedia) - Loại muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết chỉ thích sống ở chỗ nước sạch như bể nước mưa, các vũng nước mưa, các dụng cụ chứa nước, đọng nước... và đốt vào ban ngày - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý.

sốt xuất huyết
Mỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ thích nước sạch và đốt ban ngày

Chiều nay (24/7), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè nói chung và bệnh sốt xuất huyết nói riêng.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, tích lũy 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc, trong đó có 50.497 trường hợp nhập viện).

Đặc biệt, cả nước đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, so với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 3 trường hợp.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ở khu vực miền Bắc, số ca sốt xuất huyết tăng cao tập trung chủ yếu tại Hà Nội.

Hiện nay, có 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết. Có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Thuận, An Giang, Nam Định; 17 địa phương có số mắc tích lũy giảm, 2 tỉnh không ghi nhận ca mắc (Cao Bằng và Hà Giang) và 17 địa phương có số mắc tương đương cùng kỳ.

10 tỉnh, thành phố có số mắc cao trên 100.000 dân là: Đà Nẵng, Bình Dương, TP. HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Nam, Đồng Nai.

10 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là TP. HCM (13.429 trường hợp mắc), Bình Dương (4.879), Hà Nội (4.577), Đà Nẵng (4.563), Đồng Nai (2.484), An Giang (2.457), Đồng Tháp (1.707), Sóc Trăng (1.675), Khánh Hòa (1.554), Long An (1.442).

Theo Cục trưởng Nguyễn Đắc Phu, ngoài những nguyên nhân như thời tiết, môi trường, tập quán trữ nước mưa của người dân… thì sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.

“Sau khi vận động, đi kiểm tra thấy người dân không thay đổi hành vi, việc phun hoá chất chưa hợp tác và phun chưa triệt để (tại Hà Nội 20% hộ gia đình đi vắng khi diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đinh đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch)” – ông Phu cho biết.

Một vấn đề cũng gây khó khăn cho việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo Cục trưởng Phu, đó là tính đến tháng 7/2017, kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống sốt xuất huyết năm 2017 của Trung ương và địa phương chưa được cấp.

Cùng với đó, kinh phí của các địa phương cũng không có hoặc rất hạn chế, hoặc cấp muộn, không đảm bảo đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là kinh phí tuyên truyền, vận động người dân, chi công cho người đi phun hóa chất diệt muỗi, nên gặp rất nhiều khó khăn việc triển khai đáp ứng chống dịch.

“Đến nay chỉ có 30 tỉnh có bố trí kinh phí, tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh cấp chưa đủ so với nhu cầu. Các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao nhưng chưa được cấp kinh phí triển khai hoạt động là: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế” – ông Phu nêu.

Muỗi thích nước sạch và đốt ban ngày

Nhấn mạnh về đặc tính của loài muỗi gây sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý các đơn vị của Bộ Y tế, khi truyền thông đến dân chúng cần phải nêu rõ, đây là loài muỗi thích sống ở nơi nước sạch, nước mưa và đốt vào ban ngày. Vì vậy, việc khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ không phải là giải pháp mà quan trọng là không được để các dụng cụ chứa nước mưa, nước sạch… hở, tạo điều kiện cho loài muỗi này phát triển.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu cho nhập viện cả người bệnh nhẹ sẽ làm ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh nặng. “Phải tập trung chữa bệnh cho người nặng, còn người nhẹ phải để theo dõi ở tuyến dưới chứ không thể để ai đến bệnh viện tuyến trên cũng nhận vào chữa. Phải phân tuyến rõ ràng, lọc bệnh là quan trọng nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phản hồi ý kiến này, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Nguyễn Văn Kính cho biết, không có chuyện cứ vào bao nhiêu nhận bấy nhiêu, nhưng có những trường hợp đến viện được yêu cầu trở về tuyến dưới, đã đòi “tính sổ” với bệnh viện nếu họ có chuyện xảy ra.

GS Nguyễn Văn Kính cũng cho rằng, không phải tất cả các địa phương đều có dịch, tuy nhiên, Hà Nội có số mắc cao hơn gấp 6-7 lần mọi năm thì chắc chắn là đã thành dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, chỉ cần bất cứ chỗ nào có nước mưa đọng lại, kể cả một chiếc lá cây, một ống nhựa cắm ô hay những chiếc lốp ô tô cũ… cũng là ổ loăng quăng bọ gậy, ổ muỗi rất nguy hiểm.

“Chỉ có diệt bọ gậy, loăng quăng mới xử lý được dịch sốt xuất huyết. Còn phun hoá chất cũng chỉ là biện pháp nhất thời, hôm nay phun mai muỗi vẫn có thể quay lại” – ông Hạnh nhấn mạnh. 

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc