(VnMedia) - Nếu được Quốc hội cho phép, việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng của khoảng 4.730 hộ gia đình, cá nhân và 26 tổ chức để làm sân bay Long Thành sẽ được thực hiện trước khi có báo cáo nghiên cứu khả thi…
Đây là thông tin được đưa ra tại Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội chiều 1/6/2017.
Theo Tờ trình, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư; xây dựng Đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống của người dân trong diện di dời, giải toả để thực hiện dự án.
Theo kết quả điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang.
Về cơ cấu diện tích đất dự kiến thu hồi, phần diện tích đất 5.000 ha của Dự án, gồm khoảng 2.970,2 ha (chiếm tỷ lệ 59,4% tổng diện tích đất dự án) là đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng; khoảng 1.923,1 ha/5.000 ha (chiếm tỷ lệ 38,5% tổng diện tích đất dự án) là đất do cơ quan, tổ chức sử dụng; khoảng 106,7 ha/5.000 ha (chiếm tỷ lệ 2,1% tổng diện tích đất dự án) là đất giao thông, sông suối.
Phần diện tích đất để xây dựng 2 khu tái định cư và nghĩa trang gồm 614,65 ha, là đất vườn cây cao su do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý.
Theo khảo sát, tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức, bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp.
Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng tính theo đơn giá năm 2017.
Giải phóng mặt bằng trước khi có báo cáo khả thi
Về kế hoạch tổ chức thực hiện, theo Tờ trình, việc giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, khu nghĩa trang và ưu tiên giải phóng mặt bằng phần diện tích phục vụ các công trình hàng không dự kiến được thực hiện năm 2017 - 2019.
Phần xây dựng khu tái định cư Bình Sơn và tiếp tục giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại dự kiến thực hiện sau năm 2019.
Giải thích cho việc sớm tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.
“Do vậy, việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án không những để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, đồng thời còn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, theo tiến độ dự kiến, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần khoảng thời gian ít nhất là 03 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án, bàn giao cho Chủ đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án.
Trong trường hợp Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, theo các giai đoạn cụ thể và ưu tiên tập trung vào khu vực cần thiết để xây dựng hạ tầng cảng hàng không.
“Theo tiến độ hiện nay, dự kiến nếu Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất, năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của Dự án, phù hợp với tiến độ đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội” - ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Giao thông cũng phân tích, trường hợp không được tách trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi thì sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (dự kiến vào năm 2019), khi đó tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư và sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của 5.000 ha đất Dự án.
“Khi đó, việc triển khai thi công sẽ phải phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng nên có thể sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện Dự án khoảng từ 2-3 năm, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm do giá thị trường xung quanh khu vực dự án liên tục tăng, đồng thời tình trạng đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan trong vùng dự án sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.” – Ông Nghĩa nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra về vấn đề này của Uỷ ban Kinh tế cho thấy, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của Dự án theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.
Nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm.
Tuy nhiên, theo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, cũng có ý kiến băn khoăn việc triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những hệ lụy nếu trường hợp Quốc hội không thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng HKQT Long Thành.
Về kinh phí thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện.
Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc