Hà Nội: Sân chơi "thần tiên" cho trẻ em trong khu dân cư cũ kỹ

07:24, 01/06/2017
|

(VnMedia) - Một khoảng không gian giữa các tòa nhà trong khu dân cư cũ kỹ, buồn tẻ, nơi có những căn nhà gỗ ọp ẹp vốn là nơi để xe máy, nay đã được đầu tư thành một sân chơi hấp dẫn cho trẻ em.

Sân chơi cộng đồng tại tổ 3, phường Chương Dương, TP Hà Nội là một dự án tiếp nối trong chuỗi các hoạt động hợp tác giữa tổ chức HealthBridge, nhóm Think Playgrounds và các đối tác địa phương khác nhằm phát triển các sân chơi công cộng, miễn phí trong thành phố, để trẻ em có được những không gian vui chơi, hoạt động thể chất an toàn.

Cuối tuần qua, sân chơi đã chính thức khánh thành và bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng.

Tổ 3, phường Chương Dương, TP Hà Nội là một khu dân cư chật chội với những nhà tập thể cũ kỹ, trong đó có cả những ngôi nhà gỗ đã từng bị cháy rụi, và hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều những căn nhà gỗ nguy hiểm. Những khoảng không giữa các ngôi nhà thường được dùng làm chỗ để xe hay bán hàng ăn...

Sau một năm vận động người dân, được sự ủng hộ của chính quyền phường Chương Dương và quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là sự tài trợ của tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (HealthBridge), nhóm Think Playground (nghĩ về sân chơi trong Thành phố) đã thiết kế và thi công, đưa vào sử dụng một sân chơi công cộng hết sức thân thiện, dễ thương.

Ngày khánh thành sân chơi, đã có rất đông trẻ em trong khu vực được bố mẹ đưa đến sân chơi. Bé nào cũng đều hớn hở, say mê leo trèo, chui luồn, trượt cầu trượt, ngồi xích đu, đuổi bắt nhau. Trong khi đó những chiếc ghế băng được đặt dưới gốc cây là nơi các ông bà già ngồi chơi truyện trò, ngắm lũ trẻ con chơi đùa chạy nhảy. Một không khí vừa vui tươi, vừa thanh bình.

Đại diện cho nhà tài trợ - tổ chức “Nhịp cầu sức khỏe” (HealthBridge) của Canada, bà Trần Kiều Thanh Hà khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sự tham gia và những nỗ lực của địa phương trong việc phát triển sân chơi trên địa bàn.

“Các tổ chức, các tình nguyện viên sẽ luôn chỉ là những người hỗ trợ và những hỗ trợ đó sẽ không thể tạo ra các kết quả đáng kể nếu thiếu sự quyết tâm và cam kết của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của cộng đồng” - bà Hà nói tại lễ khánh thành.

Sân chơi
Trưởng nhóm Nghĩ về sân chơi trong Thành phố (Think Playground) Nguyễn Thị Kim Đức và các tình nguyện viên kiểm tra lần cuối trước lễ khánh thành

Chơi giúp trẻ phát triển tốt hơn cả thể chất và tinh thần

Chia sẻ về việc tiếp tục tâm huyết làm sân chơi miễn phí trong các khu dân cư cho trẻ em thành phố, trưởng nhóm Think Playgrounds - Kiến trúc sư Nguyễn Thị Kim Đức cho biết, ba năm qua, nhóm đã làm rất nhiều sân chơi, không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

“Chúng tôi quan tâm đến việc làm sao để các không gian công cộng phải có không gian dành cho trẻ em chơi. Chúng tôi tự thiết kế, tự thi công từ các vật liệu địa phương. Quá trình thiết kế, chúng tôi quan tâm đến việc có không gian để các em giao lưu, vận động, chạy nhảy leo trèo. Một cách nào đó, các em được tăng cường thể lực và giao tiếp xã hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến việc giúp các em tăng trí tưởng tượng. Chính việc tạo ra hình thù khác nhau như chỗ trốn, chỗ leo trèo… làm cho các em kích thích trí tưởng tượng." - chị Đức chia sẻ.

Nói về thực tế sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội, chị Đức cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đều nhận ra là sân chơi rất thiếu, nhất là các sân chơi công cộng ở gần nhà. Hiện tại, chỉ có một số rất ít sân chơi ở công viên, nhiều công viên không có sân chơi.

"Tình trạng này ảnh hưởng không tốt, vì trẻ em ở Hà Nội hiện nay chủ  yếu ở nhà xem tv và chơi Ipad dẫn đến phát triển lệch lạc, thiếu vận động nghiêm trọng. Nếu so với trẻ em nông thôn thì trẻ em thành phố mỗi ngày chỉ đi ra khỏi nhà vài bước chân, trong khi trẻ em ở các vùng nông thôn thì thường trung bình có vài tiếng chơi đùa chạy nhảy ngoài trời. Như vậy, chênh lệch về hoạt động thể chất rất lớn." - trưởng nhóm Think Playground nói.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Thị Kim Đức, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc chơi tự do rất quan trọng với trẻ em. Vì vậy, nhiều nước đang giảm dần giờ học và tăng thời gian chơi. Thời gian trẻ em chơi tự do, không được cấu trúc và định hướng bởi người lớn sẽ phát huy được sở thích, khả năng của mình tốt nhất. Trong khi chơi tự do, trẻ em học được nhiều thứ cùng một lúc và học một cách say mê, hứng thú chứ không căng thẳng như giờ học trên lớp. Việc phát triển thể chất này đồng thời cũng làm tăng phát triển trí não cho các em, gắn kết các hành vi, phát triển cả văn học và toán học.

sân chơi

"Khi thiết kế một sân chơi trong khu vực Hà Nội, chúng tôi luôn quan tâm đến yếu tố lịch sử và văn hóa, đặc biệt là sân chơi trong khu vực phố cổ. Khi xây dựng sân chơi di động, chúng tôi tìm hiểu trò chơi dân gian ngày xưa nhằm mục đích gợi lại các ký ức, hình ảnh về Hà Nội xưa." - chị Đức nói.

Về những khó khăn khi xây dựng các sân chơi trong khu dân cư, trưởng nhóm Think Playground cho rằng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. "Như Sân chơi này đã rất cần đến sự hỗ trợ của chính quyền phường Chương Dương và quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi đã mất 1 năm kể từ lần họp đầu tiên cho đến khi khánh thành vì quá trình thủ tục rất lâu. Nhưng hy vọng sân chơi này sẽ trở thành mẫu để chính quyền cơ sở, phường khác có động lực để làm." - chị Kim Đức hy vọng.

"Quan trọng nhất vẫn là chính quyền địa phương mong muốn và sẵn sàng can thiệp để có sân chơi. Think Playground đã tích cực liên hệ với các tổ chức để cùng nhau có các hoạt động về truyền thông, chính sách… để tác động lên chính quyền cơ sở." - chị Đức nhấn mạnh và nói thêm:

"Hà Nội đúng là rất khó khó khăn khi đi tìm những mảnh đất nhỏ để làm sân chơi, rồi tiếp nữa là khó khăn về tài chính. Nhưng ngay cả khi tìm thấy đất rồi, xin được tiền tài trợ rồi cũng không phải là xong. Ví dụ nhưở phường Hạ Đình, hiện nay chúng tôi đã tìm được đất, thông qua chính quyền và cộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Hay sân chơi trên ngõ số 4 Quảng Bá, phường Quảng An, ban đầu là một bãi rác rất to có vẻ là vô chủ. Nhóm Keep Hanoi Clean của anh Jame đã đến dọn rác trong một tháng, được chính quyền hỗ trợ, cho máy xúc, rồi có cả nhân lực bên môi trường giúp. Chúng tôi cũng làm một thiết kế, huy động nguồn tài trợ. Nhưng sau đó có một vài người tự nhiên đến nhận đó là đất của họ. Chúng tôi đã đề nghị phường giải quyết nhưng cho đến nay vẫn không có phản hồi gì." - trưởng nhóm tình nguyện làm sân chơi miễn phí Think Playground Nguyễn Thị Kim Đức chia sẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khánh thành sân chơi:

sân chơi

 

 

 

 

 

 

 


Tuệ Khanh (bài, ảnh)


Ý kiến bạn đọc