(VnMedia) - "Chúng ta đã có bài học của rất nhiều nước. Tại sao lúc nào cũng lặp đi lặp lại là Việt Nam của chúng ta làm mô hình không giống ai? Đây là điều mà chúng tôi hết sức búc xúc" - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ về cơ chế bảo hiểm y tế.
Bên lề Quốc hội của phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ về vấn đề bảo hiểm y tế mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Nền y tế giá rẻ không thể có chất lượng
- Thưa đại biểu, bà đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?
Tôi rất hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Các câu hỏi đặt ra cho bà Bộ trưởng rất rộng nhưng đi từ vĩ mô, tức là đi từ quy hoạch định hướng ngành cho đến những vi mô, những hoạt động riêng lẻ. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thể hiện nắm vững tình hình. Tôi hy vọng, ngành y tế sẽ có đủ thời gian, đủ cơ chế, cũng như điều kiện để thực hiện những điều mà Bộ trưởng và toàn ngành mong muốn.
- Riêng cá nhân đại biểu, điều gì khiến bà còn trăn trở muốn giải quyết trong lĩnh vực y tế?
Cái trăn trở nhất hiện nay đó chính là làm thế nào để ngành y tế phát triển đúng tầm mức của nó, tức là một nền y tế chất lượng, phục vụ được cho nhu cầu của người dân.
Thực ra tôi thấy cách vận hành quỹ bảo hiểm y tế hiện nay dẫn đến nguy cơ nền y tế giá rẻ, mà giá rẻ thì có chất lượng tốt được. Như các bạn cũng đã theo dõi trong quá trình tranh luận, đôi khi chúng ta có một cái nhìn phiếm diện. Đối với quỹ BHYT, chúng ta chỉ nghĩ làm sao để bảo tồn được quỹ, để không bị vỡ quỹ, đồng thời chống lại biểu hiện tiêu cực như: rút ruột quỹ, làm dụng, trục lợi… Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề.
Mô hình không giống ai
Cái gốc của vấn đề là cơ chế về thu chi. Về vận hành của quỹ, tôi thấy không ổn. Nếu cứ tiếp tục như thế này, dù không có tiêu cực đi chăng nữa thì cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là không đáp ứng được nhu cầu của chất lượng.
Bây giờ, đã điều chỉnh giá viện phí mới, thì vấn đề này càng trở nên nan giải. Cả ngành y tế lẫn BHYT đều phải thấy được mục tiêu của mình chính là làm thế nào phục vụ tốt nhất cho người bệnh, chứ mục tiêu của chúng ta không phải bảo tồn quỹ. Như vậy, bản thân BHXH VN phải có trách nhiệm xem lại về cơ chế quản lý.
Nếu như nói người dân và bên y tế, một số đơn vị cá nhân có những hành vi trực lợi bảo hiểm y tế thì đội ngũ giám định viên cũng có thể có khả năng để tiêu cực. Cho nên, vấn đề hiện nay là làm thể nào để quản lý tốt nhất quỹ.
Tôi nghĩ rằng, CNTT quá mộc mạc. Lẽ ra, bao nhiêu năm qua, chúng ta phải áp dụng CNTT để liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện với BHYT, chắc chắn sẽ không có trường hợp một người đi khám nhiều lần, trùng lặp thẻ BHYT…
Có thể nói năng lực quản lý của chúng ta chưa ổn. Rồi đội ngũ của chúng ta liệu đã tinh giản chưa? Đôi khi tôi thấy đội ngũ giám định viên còn đông hơn đội ngũ quản lý nhà nước của địa phương. Nhưng đó cũng chỉ là biểu hiện phần ngọn thôi. Còn cách quản lý như thế nào để giảm thiểu tiêu cực, còn cái phần gốc chính là cơ chế bảo hiểm.
Hiện nay, chúng ta đang đóng mức phí bảo hiểm thuộc loại thấp nhất thế giới, nhưng mong ước của chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mong muốn bao phủ gần như mọi chi phí. Và chi phi y tế có thể nói là không bao giờ rẻ nếu muốn có chất lượng. Đây là một kỹ thuật cao, đòi hỏi nhiều chất xám và đòi hỏi nhiều đầu tư và không thể rẻ được. Do đó, để có thể cân bằng được quỹ trong một khoảng thời gian thì chúng ta hay lạm dụng sức chi (tức là đã xảy ra rồi sau đó soi lại để xem có thanh toán hay không). Như vậy, toàn bộ phần này rơi về thiệt thòi nhất chính là bệnh nhân.
Vì vậy, chúng ta phải xem lại cơ chế, phải thống nhất được đóng BHYT cơ bản đó cũng chỉ để cho gói dịch vụ y tế cơ bản mà thôi. Và chúng ta phải đa dạng hóa mức thu BHYT tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Chúng ta đã có bài học của rất nhiều nước. Tại sao lúc nào cũng lặp đi lặp lại là Việt Nam của chúng ta làm mô hình không giống ai? Đây là điều mà chúng tôi hết sức búc xúc. Đây là vấn đề về kỹ thuật và phải coi quỹ BHYT như một doanh nghiệp, tức là phải làm sao để điều hành nó, để bảo đảm được và phải đúng từ cơ chế đầu vào.
Về phía ngành Y tế, đương nhiên chúng ta cũng phải làm sao để tăng kỹ thuật và đáp ứng chất lượng vì mục tiêu của chúng ta là toàn dân tham gia BHYT. Nhưng muốn tham gia BHYT thì BHYT đó phải có chất lượng và thuyết phục được người dân do bản thân nó chứ không phải chỉ theo số lượng chạy theo hình thức.
Hiện nay, đang có tình trạng rất nhiều người có thẻ BHYT nhưng khi vào bệnh viện thì từ chối sử dụng và vẫn phải qua gói dịch vụ. Tôi xin nói rằng, chừng nào mà còn 2 loại: 1 là khám chữa bệnh dịch vụ và 1 là BHYT chênh lệch với nhau thì không thể chấp nhận được. Như thế không công bằng.
Tốt nhất, chúng ta hãy trả về theo đúng giá trị của nó. Và chúng ta hãy có cơ chế để xây dựng, phải lo làm ngay để làm sao bảo đảm được BHYT chi trả như thế nào có lợi nhất, tốt nhất cho người bệnh.
Cười chỉ là hình thức
- Bà có kỳ vọng gì sau phiên chất vấn lần này?
Tôi nghĩ các câu hỏi đã được Bộ trưởng trả lời kỹ, chứng tỏ rất nắm vấn đề đi từ nhận thức đến hành động. Tôi kỳ vọng Bộ trưởng sẽ biến những câu trả lời đó và lời nói đó kèm theo hành động.
Thực ra, Bộ Y tế phải thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý nhà nước, đặt ra đường hướng, và giải quyết những sự cố. Tôi ví dụ nếu có việc xảy ra với bên BHYT thì các bệnh viện trông chờ vào Tư lệnh của mình để đại diện cho tiếng nói đấu tranh cho ngành. Trong chính phủ, thành viên rất nhiều nên Bộ trưởng cũng phải đấu tranh cho ngành. Nếu không, lấy tiền đâu để đầu tư cho ngành Y tế?
Tuy nhiên, để thực hiện được phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chừng nào, chúng ta vẫn còn tư tưởng bao cấp và làm theo kiểu công chức viên chức, gặp chăng hay chớ thì rất là khó. Cho nên, chúng ta phải thay đổi trong tư duy, đặc biệt là khi chúng ta đòi hỏi các cán bộ y tế, các bác sĩ, nhân viên y tế dưới quyền phải hết sức vì bệnh nhân, phải có thái độ lương y như từ mẫu, chia sẻ với bệnh nhân. Còn vấn đề cười hay chào chỉ là hình thức. Quan trọng nhất là người bệnh phải thấy được quan tâm, chia sẻ một cách thực tâm.
Nếu đòi hỏi như vậy, bản thân những cán bộ quản lý, cán bộ y tế cũng phải coi những cán bộ y tế khác như con em của mình. Nói chung phải chia sẻ khó khăn, đồng hành, và giải quyết những khó khăn nhưng cứ đòi hỏi một chiều, không tạo cho họ có môi trường mà vẫn cứ đòi hỏi họ phải có ý đức thì làm sao mà làm được?
- Xin cảm ơn đại biểu về cuộc trao đổi.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc