(VnMedia) - Ngay từ lớp 6, Trung đã bố đưa đi học thêm ở khắp các trung tâm. Kỳ nghỉ hè lớp 7 vào lớp 8, Trung tiếp tục được bố “nhồi” cho những bộ sách nâng cao của lớp 9. Kết quả là cậu bé vốn thông minh đã trượt cả hai nguyện vọng vào lớp 10.
Những ngày này, các học sinh lớp 9 ở Hà Nội đang căng mình tham dự kỳ thi vào lớp 10. Chỉ với 2 nguyện vọng cho các trường công lập, nhiều cha mẹ đã lo đến bạc tóc vì sợ con trượt. Không lo lắng sao được khi năm học 2016-2017 sẽ có gần 83.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ khoảng 70% có cơ hội học tại trường cấp ba công lập Thủ đô. Khoảng 30% (tương ứng 26.000 học sinh) sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Đây là điều không ai mong muốn, vì trong quan niệm của đa số các bậc phụ huynh, ngoài một số trường quốc tế và trường tư thục nổi tiếng thì các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên là nơi tập trung những trẻ học kém, lười, thậm chí hư hỏng…
Tuy nhiên, vì quá lo lắng, nhiều phụ huynh đã ép con lao vào ôn luyện quá sớm và kết quả là chính các cháu đã phải trả giá cho sai lầm của bố mẹ.
Anh Nguyễn Minh D, ở Ba Đình (Hà Nội) đã chia sẻ bài học cay đắng của mình.
Con trai anh D. sinh năm 1999. Ngay từ khi cháu vừa vào lớp 1, anh đã rất quan tâm, chăm chút đến chuyện học hành của con bằng cách tìm các giáo viên giỏi ở khu vực gần nhà để đưa con đi học thêm. Tối về, anh lại ngồi kèm con học đến 11 giờ đêm. Những năm đầu, anh rất phấn khởi khi thấy con luôn đứng đầu lớp. Hy vọng của anh là con sẽ thi được vào một trường chuyên cấp II. Nhưng cuối cùng, nguyện vọng này đã không thành sự thật. Anh liền tìm mọi mối quan hệ đưa con vào một trường khá nổi tiếng của quận Ba Đình.
Ước mơ cho con vào trường chuyên càng cháy bỏng, anh D. quyết tâm “phục thù”. Ngay từ năm lớp 6, anh đã tăng tốc cho con học thêm toán nâng cao, rồi lý, hóa, ngoại ngữ, văn, môn nào cũng học thêm vì chưa biết sẽ chọn cho con chuyên gì. Lịch học quá căng, con anh bắt đầu phản ứng. Và thế là thành một vòng luẩn quẩn. Bố ép con, con chống lại, bố lại tiếp tục ép…, hôm nào nhà anh cũng như có cuộc chiến tranh. Bố quát tháo, con khóc lóc, thậm chí gào lên phản đối.
Vợ anh xót con, góp ý với chồng cũng bị anh quát tháo, mắng mỏ là không biết lo cho tương lai của con.
Cho đến một ngày, anh chợt nhận ra, kết quả học ở lớp của con anh ngày càng tỷ lệ nghịch với tần suất học thêm. Đôi khi cháu làm được những bài toán nâng cao, nhưng đa số những bài toán ở mức độ trung bình, cháu lại đầu hàng. Tinh thần của cháu luôn đờ đẫn. Cuối năm lớp 9, cháu bị xếp học lực trung bình.
Là đàn ông, vậy mà anh đã khóc hết nước mắt, van xin con chăm chỉ học hành, nhưng tối nào cũng như tối nào, cháu ngồi trước bàn học cho đến nửa đêm nhưng không một chữ nào vào đầu. Lúc này, anh chỉ mong con mình đủ kiến thức để thi đỗ một trường bình thường. Nhưng rồi, cả hai trường anh đăng ký, con đều không đủ điểm. Bây giờ, cháu đã phải vào học một trường ở tận Hà Đông.
Cũng như anh D., anh Phan Tuấn H., cũng có cậu con trai được đánh giá là thông minh, sức học tốt. Mong con vào được trường cấp III chuyên, ngay từ đầu năm lớp 6, anh đã dốc tâm dốc sức giúp con học các kiến thức nâng cao của các môn chính. Đến khi vào đầu năm lớp 8, anh đã cho con làm các bài tập nâng cao của lớp 9. Lịch học thêm dày đặc, anh không quản ngại đưa đón cậu con trai cao 1m78, nặng tới 80kg đi khắp những nơi có tiếng.
Thế nhưng, càng ngày cậu bé càng ì ra, không chịu học, cãi lại bố mẹ, lao vào chơi game… Nhiều đêm, cả khu tập thể náo loạn vì tiếng câu bé gào khóc đòi bố mẹ trả lại chiếc máy vi tính vừa bị tịch thu… Cậu bé may mắn khi đỗ vào được một trường cấp III ở mức trung bình, nhưng hiện đang là một học sinh cá biệt. Chuyện thi đỗ vào đại học dường như rất xa vời.
Tăng tốc đúng cách, hiệu quả cao
Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên toán có nhiều năm kinh nghiệm làm chủ nhiệm các lớp học sinh cấp II tại trường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc bắt con ôn luyện, tăng tốc học quá sớm là một sai lầm rất nghiêm trọng. Cô đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp các con tập trung học hành với cường độ cao quá sớm, đến giai đoạn cuối, là lúc cần tăng tốc thì các con lại rơi vào trạng thái ì, chán nản, không thể tiếp thu, sức học sa sút.
"Việc tập trung ôn luyện ngay từ đầu cấp với cường độ học quá cao sẽ khiến trẻ mất đi đà tăng tốc ở năm cuối cấp. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị rơi vào trạng thái ì, đờ đẫn, chán nản, hoang mang... đúng vào giai đoạn cần phải tập trung cao độ để ôn thi." - Cô giáo tên P. chia sẻ.
Do vậy, cô P. đưa ra lời khuyên, năm lớp 6 và lớp 7, nên để các con học khá thoải mái, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, đồng thời tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao… Đến năm lớp 8, cường độ học tăng thêm một chút và đến hè chuẩn bị vào lớp 9, có thể bắt đầu cho các con học trước chương trình.
Như vậy, vào học kỳ II của lớp 9, các con bắt đầu có thời gian ôn thi. Lúc này, cường độ học có thể đẩy mạnh, tăng cường làm nhiều bài tập, luyện nhiều đề… Những học sinh được áp dụng phương pháp học này khi đó sẽ rất hứng khởi vì thấy kết quả học tập thể hiện rõ từ điểm số ở lớp cho đến việc dễ dàng giải các bài tập khó hơn. Cao điểm của đợt cố gắng này sẽ rơi vào đúng kỳ thi và như vậy, các con sẽ có cơ hội đạt được kết quả tốt nhất mà không tốn quá nhiều thời gian cho việc ôn luyện.
Phương pháp này cũng nên áp dụng với học sinh cấp III ôn thi vào đại học. Năm lớp 10 và 11 học thật tốt kiến thức cơ bản, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học thêm ngoại ngữ... Năm lớp 12 bắt đầu tăng tốc học thêm, làm bài khó, luyện đề...
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc