Chưa thỏa mãn, 19 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

17:52, 15/06/2017
|

(VnMedia) - Sáng nay (15/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Đây là một phiên chất vấn có nhiều đại biểu tranh luận lần 2, thậm chí lần 3 (19 đại biểu) do chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đơn cử như đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) nói: “Trong phần trả lời của Bộ trưởng, Bộ trưởng có nêu các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ảnh hưởng đến việc đầu tư: Một là Luật đầu tư công. Hai là Nghị định XV của Chính phủ. Tôi hoàn toàn đồng tình với hai nhận định này. Tuy nhiên tôi nhận xét hai văn bản quy phạm pháp luật này hiện nay đang là rào cản rất lớn làm cản trở công tác xây dựng cơ bản và làm chậm đi phát triển khu vực hai”.

Hay đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, quy định về việc ủy quyền cho HĐND của Nghị định 136 và điểm nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “có thể vi phạm ba luật: Một, Luật đầu tư công; Hai, Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật; Ba, Luật tổ chức chính quyền địa phương”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì cho biết, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ông đồng tình phần lớn với trả lời của Bộ trưởng, nhưng vẫn băn khoăn: “Tôi nghĩ đối với nền nông nghiệp Việt Nam chúng ta hiện nay nếu cứ loay hoay ở những giải pháp mà không bàn sâu hơn thì nông dân sẽ tiếp tục rất khó khăn”.

Về vấn đề hạn điền, theo đại biểu Ngân, ở Việt Nam, đây không phải là bài toán quan trọng mà điều quan trọng là phải phát triển được chuỗi giá trị, sự hợp tác giữa các hộ của các nông hộ nên phải phát triển được mô hình hợp tác xã.

“Hiện nay, ở Thái Lan có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, như vậy có nghĩa là người ta rất quan tâm đến mô hình phát triển hợp tác xã, vấn đề ứng dụng công nghệ vào trong lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, vấn đề cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa ở nông nghiệp, do đó rất cần vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.” - đại biểu Ngân dẫn chứng.

Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì tranh luận lại với Bộ trưởng về vấn đề nợ công. “Số liệu mà Bộ trưởng đưa ra không khớp với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng): Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Tôi nói theo Báo cáo số 128 ngày 02/06/2017 ở Mục 2 về lựa chọn vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Tuy nhiên, tôi thấy ở đây Bộ trưởng trả lời, tôi cho rằng chưa đạt yêu cầu, bởi lẽ trong báo cáo Bộ trưởng gửi cho đại biểu phần thì trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, phần thì viện dẫn các văn bản pháp luật, thậm chí viện dẫn không đúng.”

“Ví dụ như Bộ trưởng vừa nói là dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Vậy, dự án này ngày 30/05/2017 Chính phủ mới có Tờ trình để trình cho Quốc hội, Quốc hội chưa thông qua thì không thể gọi đó là trách nhiệm trong việc thực hiện dự án. Ở đây tôi muốn hỏi cụ thể, ví dụ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện dự án về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như thế nào mà vừa qua chúng ta cho nghị quyết để tạm dừng.”

Trả lời các phần tranh luận của các đại biểu Bộ trưởng cho biết sẽ xem xét lại tính pháp lý của một số văn bản hoặc xem xét để rà soát và kiến nghị, để chỉnh sửa Nghị định, hoặc sẽ có ý kiến giải trình cụ thể sau…

Trong quá trình tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải nhắc lại câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm: “Ý đại biểu Hàm muốn nói là nguyên nhân gốc rễ của việc phân bổ vốn đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia chậm 80.000 tỷ và phân bổ giải ngân ODA chậm là đổ lỗi cho Luật đầu tư công có đúng hay không? Hay do cơ chế xin - cho rồi phân bổ chậm?”.

Sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tự trả lời luôn thay Bộ trưởng: “Tôi trả lời câu này luôn cho Bộ trưởng. Theo luật, tất cả những công trình trọng điểm quốc gia phải được trình ra Quốc hội cho phép đầu tư có chủ trương thì hiện nay chưa làm được vì chưa làm được thủ tục này. Đường cao tốc thì Quốc hội phải dời lại kỳ họp tới thì mới có thể kịp hồ sơ để làm và dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh 10 ngàn tỷ cũng thế. Do đó, Bộ trưởng có thể lướt qua vấn đề này, có thể trách nhiệm là các bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm làm hồ sơ để trình ra Quốc hội nên chưa phân bổ được”.

Tiếp sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, bà, nói: “Tôi chưa đồng ý với ý của Bộ trưởng nói rằng, trước mắt khi chưa điều chỉnh được thì tùy từng địa phương áp dụng. Tôi nghĩ rằng, áp dụng pháp luật là phải nghiêm minh, phải thống nhất và đồng bộ, không thể tùy tiện được….”

Các đại biểu Nguyễn Văn Thể, Hàm Quang Hàm, Trần Thị Hoa Ry, Nguyễn Văn Cảnh cũng tiếp tục nêu câu hỏi tranh luận.

Cần tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương

Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch đầu tư là rất rộng, liên quan tới nhiều bộ, ngành và địa phương, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng đã nhận nhiệm vụ hơn một năm nhưng đã cố gắng nắm tình hình, thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực kế hoạch đầu tư quản lý. Bộ trưởng đã nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và những tồn tại hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách.

Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trường còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có nhiều đại biểu (19 đại biểu) tham gia tranh luận.

Quá trình chất vấn và tranh luận cho thấy, bên cạnh những mặt được, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo như việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, vốn đã thấp so với nhu cầu, nhưng tiến độ giải ngân vốn còn chậm, có tiền chưa chi được…

Ngoài ra, nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu, sửa đổi, tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế gây lãng phí, kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

“Đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế” - Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ cần tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm các cấp trong quản lý đầu tư công.

Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung bố trí đủ vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát và lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tếp tục thực hiện mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho trong đầu tư công, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương trong việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện tốt việc điều hòa tổng nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi không giải ngân được. Có cơ chế xử lý cắt giảm vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để chuyển sang công trình hoặc các dự án ở địa phương thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công. Trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc