Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

14:05, 15/06/2017
|
(VnMedia) - Chiều nay (15/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
 
Mời đọc giả xem trực tuyến tại đây:
 

 
 
Theo dự kiến, từ 14.00’ đến 16.05’ Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 13 -15/6.
 
Từ 16.45’ đến 17.00’ Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Trước khi nhận các câu hỏi, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm thời gian qua.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn. Trong đó đại biểu Kim Bé đề cập tới việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng. Ngoài ra, đại biểu Kim Bé cũng chất vấn thêm việc dự án cao tốc Trung Lương chậm tiến độ có phải do yếu kém về chuyên môn?
 
Các đại biểu: Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Đinh Đăng Luận (Yên Bái), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Phan Anh Khoa (Phú Yên), Trần Anh Tuấn (Tp.HCM),Nguyễn Sĩ Cương cũng đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề: Tình trạng lãng phí, dàn trải trong đầu tư công; chính sách, giải pháp của Chính phủ trong giải cứu ngành chăn nuôi; Quan điểm của Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng  về vụ sản xuất  phân bón giả xảy ra tại Công ty CP Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai...
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé vền chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết đây mới là đề xuất nghiên cứu, nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, tuy nhiên chủ trương này liên quan đến nhiều quy định khác nhau, như luật công chức, viên chức; liên quan đến đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn.
 
Theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, và mới chỉ ở bước đề xuất của Bộ Giáo dục. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức.
 
Xử nghiêm sai phạm ở 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu" và sẽ rà soát thêm
 
Đại biểu Trần Văn Tiến đã chất vấn Phó Thủ tướng: Tại kỳ họp thứ 2, năm 2016, Chính phủ báo cáo 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, được dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý một số dự án kém hiệu quả xác định 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém.
 
Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi: Xin Chính phủ cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, có bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng tương tự như trên? Chính phủ có giải pháp gì?
 
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ đã công khai thông tin về 12 dự án nêu trên. Các dự án đó sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
 
 Phó Thủ tướng cũng nêu: Ngoài 12 dự án này còn dự án nào nữa không? Thực tế theo Phó Thủ tướng thì là còn, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. 
 
"Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu đó”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý các dự án thua lỗ.
 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
 
"Những cán bộ có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng"
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) về giải pháp xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ ở các ngành, các cấp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định những cán bộ có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng. Hiện nay, chúng ta xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì đòi hỏi cán bộ phải có tư duy phục vụ. Người được bổ nhiệm, bầu, phê chuẩn vào chức vụ hoặc vị trí công tác đó phải là người cán bộ có đầy đủ chuẩn mực, thực thi công vụ đúng tinh thần trên.
 
Theo Phó Thủ tướng, những trường hợp bổ nhiệm không đúng mà đại biểu nêu trên là không xứng đáng, do khâu bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, đánh giá cán bộ chưa chính xác. Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện ra những cán bộ không thực hiện đúng nghị quyết, kế hoạch, tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ được phân công.
 
“Có thể nói, tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi có thể vì lợi ích nhóm, vì muốn thể hiện mình cho nhiệm kỳ tới, hoặc thấy mình đã hết nhiệm kỳ thì thôi không quyết tâm, nỗ lực nữa. Tất cả những biểu hiện này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng thể chế, quy chế, kiểm tra phát hiện để có giải pháp kịp thời”, Phó Thủ tướng nêu.
 
Xử lý nghiêm các vụ bổ nhiệm người nhà trái luật
 
Trả lời chất vấn xung quanh việc bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định, Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, báo chí phản ánh lãnh đạo địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào vị trí do mình phụ trách, gây phản ứng trong dư luận.
 
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân, Thủ tướng đã yêu cầu bộ, ngành, địa phương làm tốt chức năng của mình. 
 
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nội vụ kiểm tra sự việc, sau đó tiến hành thanh tra công vụ báo cáo Thủ tướng. Bộ Nội vụ cũng thực hiện rà soát tại 11 địa phương, phát hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm.
 
Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi các quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng, có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trong năm 2017, Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.
 
Phục hồi điều tra lại vụ án phân bón giả tại Công ty Thuận Phong
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về quan điểm của Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng  về vụ sản xuất  phân bón giả xảy ra tại Công ty CP Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai. Xem xét trách nhiệm của Cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai trong vụ việc này như thế nào?...
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, vụ việc này xảy ra từ năm 2015. Qua quá trình các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, đã phát hiện cơ sở Công ty CP Thuận Phong đang thực hiện đóng gói, sang chiết phân bón, có dấu hiệu vi phạm.
 
Vụ việc này cũng đã phải qua kiểm tra, giám định và xin ý kiến của các Bộ, ngành. Bởi có vướng mắc trong quy định của luật, nghị định, thông tư về tỷ lệ các chất trong phân bón quy định bao nhiêu phần trăm thì là phân bón giả, dẫn đến có các cách hiểu khác nhau…
 
Vì thế Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án này và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định đó, Phó Thủ tướng cho biết.
 
Tuy nhiên, quyết định này đã không được dư luận đồng tình. Trong đó, Hiệp hội phân bón đã phản đối quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Phó Thủ tướng đồng thời là Trưởng Ban 389 quốc gia, cũng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật.
 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo, giao Bộ Công an xem xét lại và có ý kiến với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao làm lại cho đúng pháp luật.
 
VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án này, bởi VKSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn nên cơ quan này phải ra quyết định đó làm cơ sở để từ đó phục hồi điều tra lại vụ án.
 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu thêm: Trong quá trình điều tra vụ án thì Bộ Công an sẽ có trách nhiệm xem xét cán bộ thừa hành nếu có sai phạm. 
 
 
*Trước đó, phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng được dự kiến chỉ kéo đến 16h, còn dành khoảng 40 phút để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp báo cáo thêm trước Quốc hội. Tuy nhiên, chương trình sau đó được điều chỉnh để Phó Thủ tướng được ủy quyền có toàn thời gian trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
 
4 Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội gồm: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
 
Nội dung các Bộ trưởng trả lời chất vấn chủ yếu gồm: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
 
Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
 
Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
 
Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. 
 
 
Tiến Vinh
 

Ý kiến bạn đọc