Bệnh viện Nhi Trung ương: Khám bệnh ngoài giờ giá cao để cân đối tài chính!

18:13, 07/06/2017
|

(VnMedia) - “Việc tổ chức khám dịch vụ theo lựa chọn của người dân nhằm cân đối tài chính trong hoạt động cả điều trị bệnh nhân nội trú nặng, kỹ thuật cao mà trong số đó, có khi người bệnh không đủ chi trả” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích.

Bệnh viện Nhi Trung ương
Việc tổ chức khám dịch vụ theo lựa chọn của người dân nhằm cân đối tài chính trong hoạt động cả điều trị bệnh nhân nội trú nặng, kỹ thuật cao mà trong số đó, có khi người bệnh không đủ chi trả... 

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa công bố báo cáo giải trình của Bệnh viện Nhi Trung ương về vụ việc báo chí phản ánh tình trạng người bệnh phải trả viện phí giá cao nhưng vẫn gặp phiền hà khi khám bệnh.

Trước đó, theo lời kể của anh Phan Minh (Hà Nội) được đăng trên báo Tuổi trẻ: Ngày thứ bảy 6/5, tôi có đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội). Tiền khám bệnh đến 310.000 đồng/lần nhưng tôi phải ôm con lòng vòng tìm chỗ khám, bác sĩ thì lại rất kiệm lời giải thích.

Con tôi (2 tuổi) có cái tật nhỏ ở bộ phận sinh dục, lúc khám ở bệnh viện tuyến dưới nơi cháu có bảo hiểm y tế, bác sĩ bảo khoảng 4-5 tuổi đưa cháu đến khám lại và mổ. Nhưng do tối trước đó cháu tắm lâu, vết tật phồng lên, lo sợ cho con nên tôi vượt đường xa đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Cháu được phân khám tại phòng khám số 44. Tôi nhận phiếu, bế con đi tìm phòng khám. Khi tìm thấy phòng 44 thì phòng đóng cửa, trên cửa có ghi tờ giấy tìm đến một phòng khám khác. Tôi vừa tìm đến phòng khám khác thì y tá lại đuổi đi. Một y tá khác thấy thương hại lại dẫn tôi đi tìm bác sĩ ở một phòng khác nữa.

Đến phòng mới, bác sĩ nghe tôi trình bày xong liền bảo đi mua phiếu siêu âm. Trong phiếu siêu âm lại hướng dẫn đến phòng 44. Tôi quay trở lại phòng này nhưng vẫn không có người. Tôi lại bế con khắp nơi để tìm chỗ siêu âm cho con, hỏi nhân viên y tế thì ai cũng kiệm lời. Tìm được phòng siêu âm, tôi chờ đợi đến sốt ruột mới tới phiên siêu âm cho con.

Sau khi siêu âm xong, cầm kết quả đến phòng khám trước đó, bác sĩ nói: “Thứ hai, chị đưa cháu đến khám lại và đặt lịch mổ. Cháu 10kg phải mổ rồi, mà tôi thấy chị khai cháu đã 14kg”. Tôi hỏi thêm rằng: Có nhất thiết phải mổ sớm vậy không, thưa bác sĩ? Bác sĩ nói thủng thẳng như dội thêm lo âu vào lòng của người mẹ như tôi: “Thế chị muốn con khỏi bệnh hay muốn con hỏng bộ phận sinh dục?”.

Về vụ việc trên, theo công văn giải trình của bệnh viện Nhi Trung ương do Phó Giám đốc Trần Minh Điển ký gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thì sau khi nhận được thông tin phản ánh về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện, bệnh viện đã xem xét, xác minh tìm hiểu vụ việc.

“Bệnh viện nhận trách nhiệm và lấy làm tiếc vì những phiền hà, bất tiện mà gia đình bệnh nhân gặp phải theo phản ánh. Bệnh viện đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và xem xét thay đổi một số quy trình trong công tác khám chữa bệnh.

Về sự phiền hà của người bệnh khi đến khám vào ngày cuối tuần, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm bệnh nhân tới khám là cuối tuần, không phải giờ làm việc hành chính. Bệnh của bệnh nhân là bệnh khám chuyên khoa Ngoại (chuyên khoa không tổ chức khám ngoại trú vào ngày cuối tuần) và không thuộc trường hợp cấp cứu.

Tuy nhiên, cũng như gia dình bệnh nhân nếu trong đơn, bệnh nhân nhỏ tuổi, lại từ xa đến nên để tạo điều kiện thuận lợi, tránh việc đi lại nhiều lần cho gia đình bệnh nhân, sau khi thống nhất, nhân viên của Khoa khám bệnh đã phát phiếu khám và mời bác sĩ chuyên khoa ngoại đến khám cho bệnh nhân. Do việc khám bệnh thuộc chuyên khoa ngoại này không có sự chuẩn bị trước để khám ngoài giờ nên phải mời bác sĩ từ khu vực khác đến, dẫn tới có sự chậm trễ trong việc khám bệnh, người bệnh gặp một chút phiền hà.

Về tình trạng bệnh, chẩn đoán và liệu pháp điều trị đối với bệnh nhân này, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau khi hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định trường hợp bệnh nhân có thể phẫu thuật sau khi bệnh nhân đủ 12 tháng tuổi. Việc phẫu thuật sớm sẽ giúp các chức năng sinh lý của bệnh nhân nhanh chóng hoạt động bình thường. Bệnh viện sẽ liên hệ với gia đình người bệnh để lên lịch khám, tư vấn và phẫu thuật cho bệnh nhân.

“Bệnh viện cũng nhận có thiếu sót trong trong giải thích, hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân. Bệnh viện đã ghi nhận và đã rút kinh nghiệm đối với các cá nhân và đơn vị liên quan” - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trần Minh Điển cho biết.

Giá khám cao để bù cho bệnh nhân nội trú?

Về khám bệnh ngoài giờ, theo giải thích của Phó Giám đốc Trần Minh Điển, hiện tại, Nhà nước đã ngừng cấp ngân sách cho hoạt động chi thường xuyên của Bệnh viện nên Bệnh viện phải tự đảm bảo kinh phí trên cơ sở cân đối nguồn thu sự nghiệp.

“Việc tổ chức khám dịch vụ theo lựa chọn của người dân nhằm cân đối tài chính trong hoạt động cả điều trị bệnh nhân nội trú nặng, kỹ thuật cao mà trong số đó, có khi người bệnh không đủ chi trả. Bệnh viện hiện tại có các mức giá khác nhau cho người dân lựa chọn, đối với bệnh nhân khám bảo hiểm, khám cấp cứu vẫn theo giá quy định hiện hành.

Việc tổ chức phòng khám dịch vụ ngoài giờ để giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Khi triển khai phòng khám này, bệnh viện phải huy động một đội ngũ nhân lực không nhỏ tham gia làm thêm giờ, từ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp khám bệnh, đến nhân viên xét nghiệm, hộ lý, bộ phận hỗ trợ, phục vụ gián tiếp. Cùng với đó là chi phí về vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Do đó, giá khám dịch vụ ngoài giờ sẽ cao hơn giá khám bệnh trong giờ hành chính.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc