Trong 600 ngàn tỷ nợ xấu, 90% là tiền của người dân

16:32, 07/06/2017
|

(VnMedia) -  Trong 600 ngàn tỷ nợ xấu thì 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%. Do vậy, vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng...

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank phát biểu về nợ xấu

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Phát biểu tại tại Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, việc Quốc hội giao cho Ngân hàng nhà nước quy định nợ xấu trong khi ngành ngân hàng là ngành được thụ hưởng cơ chế đặc thù này là chưa thỏa đáng.

“Dưới góc độ tổ chức tôi nghĩ Quốc hội không thể giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ngân hàng nhà nước” - đại biểu Trang nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, Điều 4 dự thảo cũng quy định khoản nợ có tài sản đảm bảo là nợ xấu là chưa phù hợp. “Đề nghị Quốc hội phải xác định thế nào là nợ xấu, quy định một cách cụ thể, minh bạch để tránh việc lạm dụng, tùy tiện” - bà Trang nói.

Theo đại biểu Trang, cơ chế thu hồi về xử lý tài sản, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là một quá trình hết sức khó khăn, phức tạp do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản và những người có liên quan thực hiện công tác thi hành án dân sự. Có những trường hợp tấn công người thi hành án, người thi hành công vụ hoặc tự thiêu, tạt axit..

“Vậy tổ chức tín dụng phải xử lý vấn đề trên thế nào? Họ phải trực tiếp tổ chức thu giữ, xử lý tài sản hay được phép thuê một lực lượng khác để bảo kê thu giữ, xử lý tài sản này? Tôi cho rằng Quốc hội nhất thiết phải có một cơ chế hết sức rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này, nhất là đối với trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thu giữ, xử lý tài sản của người Việt Nam, nếu không sẽ không lường được những hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, trật tự xã hội” - đại biểu tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) góp ý, đồng tình với dự thảo bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tránh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu. Theo đại biểu Sơn, đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu để công khai, minh bạch và nhân dân đồng tình cao trong quá trình xử lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) đánh giá, nợ xấu và nợ công là 2 món nợ mà cử tri cả nước và nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, yêu cầu yêu cầu phải quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.

“Tôi là một đại biểu làm công tác thực tiễn, nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân và nợ các tổ chức tín dụng. Đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc, tôi mới thấy dở khóc, dở cười. Người đi vay nợ khi đến các chủ nợ, họ tìm mọi cách, hứa đủ điều, kể cả thế chấp tài sản đảm bảo với mong muốn vay cho được. Họ trở về với tiền tươi, thóc thật, nhưng oái oăm thay đến hẹn trả nợ lại không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ để lách luật. Dù là lý do gì nhưng đây là một thói hư, tật xấu, theo tôi xã hội chúng ta cần phải lên án” - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Ông Cầu cũng dẫn chứng những trường hợp chủ nợ chạy khắp nơi gặp con nợ để van xin, đòi mãi không được thì tìm đến công an tố cáo, đó là hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Nhưng công an sau một thời gian kiểm tra xác minh, hướng dẫn quay trở về Tòa án để giải quyết và đây là mối quan hệ dân sự.

“Chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài mà không biết đến lúc nào mình mới lấy được nợ. Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi. Đó là thực trạng của việc lấy nợ của các tổ chức tín dụng và những người dân lương thiện biết tôn trọng và cậy nhờ vào pháp luật” - ông Cầu nêu ví dụ.

90% nợ xấu là tiền của người dân

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank) phân tích, qua thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh cao đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước đều xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế. Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh đột biến từ năm 2012 với con số lên đến 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này chính là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, của chứng khoán và nền kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó.

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng con số hiện nay rất lớn, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu ở con số khoảng xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng và chiếm tới 1,8% theo báo cáo.

“Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước. Trong thực tế, các quốc gia theo thống kê có nợ xấu từ 10% thì đã có rất nhiều các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đổ vỡ" - đại biểu Thắng nói.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh, trong 600 ngàn tỷ nợ xấu thì 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%. Do vậy vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

“Làm sao chúng ta vận hành đưa 600.000 tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế. Với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn. Với con số trên 200 ngàn tỷ thôi chúng ta đã thấy rất khó khăn rồi, còn đây là 600 ngàn tỷ” - đại biểu đoàn thành phố Hà Nội nêu.

Khởi tố gần 200 cán bộ ngân hàng trong 5 năm

Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản và đó cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng (TCTD) còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay...

Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nói về kết quả công tác thanh tra giám sát, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, từ năm 2011-2016, theo thống kê Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

"Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, Phó TGĐ ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm… Riêng tại Agribank, từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách thiệm 352 cán bộ. Đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố điều tra 65 vụ án tại Agribank, xử lý hình sự 122 cán bộ Agribank", Thống đốc Lê Minh Hưng nêu.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc