(VnMedia) - Sở Y tế TP HCM vừa có báo cáo Bộ Y tế về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc viện trợ Tasigna tại BV Truyền máu Huyết học TP HCM, trong đó thừa nhận trách nhiệm của đơn vị này cũng như của bệnh viện và đề nghị "rút kinh nghiệm..."
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, chương trình sử dụng thuốc viện trợ Tasigna mà Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đạt được thỏa thuận với nhà tài trợ, công ty Novartis là chương trình viện trợ có điều kiện: Bệnh nhân không được miễn phí thuốc Tasigna hoàn toàn và bệnh viện không có quyền chủ động sử dụng khi chưa có sự đồng ý và chấp thuận của công ty.
Cụ thể, bệnh nhân tham gia chương trình phải đồng chi trả 4% (khoảng 42 triệu đồng/năm). Công ty Novartis kiểm soát việc lựa chọn bệnh nhân theo các tiêu chí của chương trình và quyết định việc cho phép sử dụng thuốc Tasigna đối với những bệnh nhân tham gia, bệnh viện không được tự ý thay đổi hay làm khác quy định của chương trình.
Thông tin về việc thời gian nhập thuốc gần 1 năm, Sở Y tế TP HCM báo cáo cụ thể như sau: Thủ tục qua lại giữa Bệnh viện và Novartis ở giai đoạn đầu mất trên 4 tháng 11 ngày.
Sau đó, giai đoạn Bệnh viện bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược mất 25 ngày, bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế mất 1 tháng 7 ngày, thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM xử lý hồ sơ mất 3 tháng, UBND TP HCM xử lý hết 10 ngày làm việc. Thời gian còn lại là thời gian bệnh viện và Novatis làm thủ tục tiếp nhận và nhận hàng về kho.
“Đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận viện trợ có điều kiện nên chuyên viên của các phòng chức năng còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng và tham mưu cho lãnh đạo Sở, dẫn đến chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ” – Sở Y tế TP HCM thừa nhận.
Cũng theo Sở này, việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc đề nghị hiến tặng của BV Truyền máu Huyết học TP đã không sát với thực tế sử dụng. Mặc dù dự trù số thuốc dùng cho sáu tháng nhưng ngay cả 10 tháng trôi qua bệnh viện vẫn không sử dụng được 1/2 số thuốc đã nhận (tiếp nhận 34.608 viên, còn tồn tới 19.997 viên; dự trù 50 người, thực tế chỉ có 26 người tham gia).
Do vậy, Sở Y tế Thành phố yêu cầu bệnh viện phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong dự trù số lượng thuốc xin viện trợ, làm sao sát với thực tế sử dụng.
Nếu xét thấy nhu cầu sử dụng thuốc là cần thiết cho người dân, BV nên tìm nguồn viện trợ khác theo đúng nghĩa viện trợ nhân đạo, không bao hàm việc đồng chi trả như Công ty Novartis đã làm.
Ngoài ra, khi ký hợp đồng tham gia chương trình này, phải xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng Tasigna là của bệnh viện hay của công ty dược Novartis. Ở đây, bệnh viện đã không thể tự quyết định khi biết số thuốc còn tồn kho khá lớn nhưng cũng không được sử dụng cho những người bệnh ngoài chương trình dù biết sẽ hủy khi hết hạn dùng.
Khi nảy sinh tình huống như vậy, bệnh viện cũng không khẩn trương báo cáo cho Sở Y tế biết để hỗ trợ, can thiệp.
Từ vụ việc này, Sở Y tế TP HCM yêu cầu rút kinh nghiệm chung toàn ngành y tế Thành phố về việc tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, tặng cho các đơn vị trực thuộc Sở.
Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, theo kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra việc xuất sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại khoa Dược, đến ngày 31/12/2015, kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn kho 19.997 viên Tasigna 200mg trong tổng cộng hơn 34.600 viên thuốc Tasigna do Công ty Novartis Pharma Services AG (Thuỵ Sỹ) cung cấp theo hình thức viện trợ phi dự án để điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy.
Thuốc đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá là gần 14 tỷ đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên).
Thông tin khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi trong khi nhiều bệnh nhân không có tiền để chữa bệnh thì thuốc lại để hết hạn và phải tiêu hủy, gây lãng phí lớn.
Liên quan đến vụ việc, trả lời trên VTV, bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu và huyết học thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc nhận các loại thuốc viện trợ khác trung bình chỉ mất khoảng 3 tháng, nhưng đối với chương trình này, bệnh viện phải làm thủ tục rất phức tạp, mất gần 12 tháng mới về đến Việt Nam. Ngoài ra, lô thuốc viện trợ cũng có hạn sử dụng không được xa.
Chương trình này yêu cầu người bệnh phải đồng chi trả. Theo đó, dù mỗi năm người bệnh chỉ phải tự trả tiền thuốc trong 2 tuần, nhưng cũng tương đương khoảng 42 triệu đồng. Theo khảo sát của bệnh viện, dự kiến trong tổng số 200 bệnh nhân thì có khoảng ¼ (50 bệnh nhân) có khả năng đồng chi trả, nhưng khi thuốc về Việt Nam, thực tế chỉ có 26 bệnh nhân đủ khả năng để vào chương trình.
Đặc biệt, theo chia sẻ của Giám đốc bệnh viện Truyền máu và huyết học thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện cũng đã thấy khi thuốc về Việt Nam thì khả năng hết ‘đát” rất cao nên đã có nhiều cuộc họp với phía công ty tài trợ để công ty này thay đổi chính sách. Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý và họ chấp nhận hủy thuốc.
Vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận bởi trong khi số thuốc có giá trị lớn như vậy bị tiêu huỷ thì có nhiều bệnh nhân do không có điều kiện dùng thuốc có thể đã tử vong.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc