EU, Pháp giúp Việt Nam bảo vệ bờ biển

20:41, 25/05/2017
|

(VnMedia) - Hôm nay (25/5), tại Thành phố Hội An đã diễn ra một Hội thảo thảo luận về kết quả của ba nghiên cứu khoa học về vấn đề xói mòn bờ biển được thực hiện ở ba tỉnh: Cà Mau và Tiền Giang và Quảng Nam. Các nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Pháp thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết của mình tại COP (Hội nghị Các bên về Biến đổi Khí hậu).

Hình ảnh tại cuộc hội thảo
Hình ảnh tại cuộc hội thảo

Ba nghiên cứu đã xem xét một loạt nguyên nhân gây xói mòn bờ biển, làm tổn hại nghiêm trọng đến khu vực và kế sinh nhai của người dân, nhằm để tìm hiểu về cơ chế gây xói mòn ở hai khu vực này, thiết lập một cơ sở khoa học vững chắc cho việc quản lý tổng hợp các vùng ven biển của Việt Nam đồng thời đề xuất các biện pháp mềm và cứng để bảo vệ bền vững các vùng ven biển khỏi xói mòn.

Để phục vụ mục đích này, hai chiến dịch đo đạc tại chỗ (thủy động lực học của sóng, thuỷ triều và dòng trầm tích) đã lần đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, và các biện pháp thử nghiệm (trong phòng thí nghiệm và tại chỗ) và số học đã được thực hiện.

Các biện pháp mềm và cứng để bảo vệ bãi biển Hội An và vùng duyên hải hạ lưu sông Mê-kông từ kết quả của 9 tháng nghiên cứu sẽ được trình bày và thảo luận trong buổi hội thảo.

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia, các học giả trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng vùng bờ biển, các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương cũng như các đại diện từ các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU Bruno Angelet cho biết: "Nghiên cứu này là hành động thực hiện cam kết của EU tại Paris trong COP 21 để hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù sự xói mòn chủ yếu là do con người gây ra, thì khi mực nước biển dâng cao tác động của xói mòn sẽ được nhân lên nhiều lần.  Dựa trên các kết quả nghiên cứu, một chương trình đầu tư sẽ được xây dựng bao gồm các biện pháp thích ứng cứng và mềm có thể bao gồm xây dựng đê, phục hồi rừng ngập mặn và nâng cao năng lực để tăng cường phát triển bền vững và quản lý môi trường".

Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary nói thêm "Được thông qua vào ngày 12/12/2015, Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/11/2016, ba mươi ngày sau khi đạt được ngưỡng 55 nước chiếm trên 55% phát thải GHG (phát thải gây hiệu ứng nhà kính). Chống lại sự ấm lên toàn cầu và giúp các nước đối tác thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm của các chiến lược phát triển và hợp tác của Pháp trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, tài trợ phát triển của chúng tôi sẽ cải thiện khả năng phục hồi của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu, kiểm soát bền vững nguy cơ lũ lụt, bảo vệ bờ biển khỏi xói lở hoặc phục hồi rừng ngập mặn ven biển và nhiều vấn đề nữa"

Dựa trên khuyến nghị của nghiên cứu này, sẽ có một khoản đầu tư được thiết kế với nguồn vốn tài trợ có thể lên tới 87 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp, và khoản đầu tư này đồng thời có khả năng được đồng tài trợ từ khoản cho vay không hoàn lại khác đến từ Liên minh Châu Âu.

Các nghiên cứu đã được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Thuỷ lợi Miền Nam cùng với Trường cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thuỷ lợi miền Trung và Cơ quan Phát triển Pháp.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị ảnh hưởng và tổn thương do mực nước biển dâng cao. Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về Biến đổi Khí hậu và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Liên minh châu Âu đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua cải cách lĩnh vực năng lượng, và thích nghi thông qua tài  trợ các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp thích nghi phù hợp.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc