Bệnh viện K bác thông tin phác đồ điều trị ung thư "quá lỗi thời và lạc hậu"

20:38, 25/05/2017
|

(VnMedia) - Trước nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội về phác đồ điều trị ung thư hiện nay là "quá lỗi thời và lạc hậu", chiều nay (25/5), Bệnh viện K đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về vấn đề này.

GS Thuần
GS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K

 Dự và chủ trì buổi gặp gỡ báo chí có PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư; PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng Bộ môn Ung thư, trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại A, Bệnh viện K; TS.BS Bùi Vinh Quang, Trưởng khoa Xạ 5, Bệnh viện K; TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, theo số liệu của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm.

“Trong số 172 quốc gia được báo cáo về tỷ lệ tử vong do ung thư thì Việt Nam đứng thứ 78, xếp theo tỷ lệ tử vong từ cao xuống thấp. Như vậy, thông tin từ nhiều bài báo gần đây cho rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới là không chính xác” - GS Thuấn khẳng định.

Tuy nhiên, GS Thuấn cũng thừa nhận, cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.

Về ý kiến cho rằng “phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”, GS Thuấn cho rằng, đây là phát biểu không có cơ sở khoa học.

“Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định hoá trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư. Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Các độc tính của hoá trị hầu hết có thể kiểm soát được. Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hoá trị sẽ mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được hay nói cách chuyên môn là người bệnh dung nạp được điều trị” - GS Thuấn nói.

Trả lời câu hỏi của VnMedia về việc có nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn được xạ trị hoặc hóa trị, vừa tốn kém, vừa đau đớn mệt mỏi nhưng sau đó đã tử vong chỉ trong vòng vài tháng, vậy, việc điều trị hóa trị hay xạ trị trong giai đoạn này liệu có phải là giải pháp phù hợp? - GS Thuấn cho biết, giai đoạn muộn thông thường các bệnh ung thư có chỉ định điều trị bằng thuốc, hoá chất nội tiết và các thuốc sinh học… tuỳ thuộc vào loại ung thư và đặc điểm sinh học của từng bệnh nhân.

“Ở giai đoạn muộn, mục tiêu điều trị không phải là chữa khỏi mà là kéo dài cuộc sống cho người bệnh càng nhiều càng tốt và góp phần cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, hoá trị không phải trường hợp nào điều trị cũng đỡ hoàn toàn mà trong điều trị bằng thuốc nội khoa nói chung, có 4 mức độ, một là đỡ hoàn toàn, tan hết u hết hạch, hai là đáp ứng một phần, ba là bệnh giữ nguyên và bốn là bệnh tiến triển. Qua thống kê, để làm cơ sở cho việc dùng thuốc nói chung hay hoá trị nói riêng thì dựa trên số đông” – GS Thuấn giải thích và khẳng định “Khi dùng thuốc như vậy, chắc chắn người bệnh đỡ hơn, kéo dài cuộc sống hơn so với không dùng thuốc”.

Với câu hỏi của phóng viên VnMedia về cơ sở để khẳng định việc điều trị hóa chất dù ở giai đoạn cuối vẫn mang lại lợi ích cho bệnh nhân nhiều hơn là không điều trị, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, có nhiều nghiên cứu về số liệu, thống kê nhóm được điều trị có số người sống sót cao hơn và đây là cơ sở chính.

"Thứ hai là về lương tâm, nếu bác sĩ thấy việc điều trị không tốt hơn thì không bao giờ dùng cho bệnh nhân. Khi dùng bất cứ thứ gì cho người bệnh thì cân nhắc rất kỹ giữa mức độ lợi, hại, và còn có sự đồng thuận của người bệnh" - GS Thuần nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, việc diệt tế bào ung thư cũng ảnh hưởng đến mô lành, như đường tiêu hoá, xương... nên việc điều trị hoá chất, điều trị nội khoa cũng là một nghệ thuật cần đòi hỏi bác sĩ có kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng để dùng liều tối ưu, tức là là liều cho phép diệt tối đa các tế bào ung thư nhưng đồng thời là liều cho phép các tế này phục hồi trở lại.

“Khi dùng hoá trị như vậy có một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, rụng tóc, nhưng được kiểm soát bằng các thuốc hỗ trợ như chống nôn, tăng bạch cầu… để dùng hoá chất hiệu quả an toàn. Vì vậy, nhất thiết bác sĩ phải được đào tạo bài bản chuyên ngành ung thư, sau đó đi sâu vào chuyên ngành nội khoa ung thư” - GS Thuấn nói.

Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng Bộ môn Ung thư trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại A, Bệnh viện K cho rằng, có người khi phát hiện bệnh ở vào giai đoạn muộn có nhu cầu được sống đến mức chỉ kéo dài khoảng 2 tuần so với trước đây đã là kỳ công rồi. "Giai đoạn muộn nếu không điều trị có thể chỉ sống được 3 tháng, nhưng điều trị có thể thêm được 7-8 tháng, không điều trị có thể sẽ tử vong sớm hơn".

Trước câu hỏi rằng, vật tư thiết bị cũng như phương pháp điều trị tại Bệnh viện K so với các nước khác trên thế giới như thế nào? Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, “tất cả những thiết bị hiện đại nhất trên thế giới, phương pháp điều trị tốt nhất trên thế giới, Bệnh viện K đều có và các bệnh nhân đều được điều trị bình đẳng như nhau”. 

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc