Hà Nội: Lấn chiếm đất còn dọa giết chủ đầu tư, chính quyền bất lực

06:26, 24/04/2017
|

(VnMedia) - Đất thuộc dự án ngay giữa Thủ đô bị tái lấn chiếm nhiều lần để xây nhà bán trao tay, doanh nghiệp thì run sợ vì những lời đe dọa, cán bộ thực thi bị chặn đánh giữa đường, còn chính quyền thì giải tỏa đến 4 lần nhưng rồi vẫn bị chiếm lại như... trò đùa.

Khu đô thị mới Cầu Bươu có quy mô 20 ha tọa lạc tại xã Thanh Liệt, có chủ đầu tư là Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Hiện nay, Công ty đã giải phóng mặt bằng được gần 80% diện tích đất phải thu hồi.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, trong số đó có khoảng 4.000m2 đất đã bị người dân tái lấn chiếm nhiều lần, đã xây nhà kiên cố và hiện chưa có biện pháp để giải quyết.

Nhà đã xây đủ, trường học chưa có

Theo báo cáo của huyện Thanh Trì, dự án này còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa đảm bảo tiến độ một số công trình, các khu đất cây xanh, trường mầm non đang được sử dụng sai mục đích như cho các tổ chức cá nhân thuê làm văn phòng, nhà xưởng, trông giữ xe; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, tái lấn chiếm đất dự án do không xử lý hiệu quả, không xây dựng hàng rào quản lý chống lấn chiếm…

Giải trình với đoàn giám sát thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội do ông Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn vào cuối tuần qua, Giám đốc dự án Phạm Duy Cương cho biết, dự án đã xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, về công trình hạ tầng xã hội gồm hai lô đất nhà trẻ NT1 và NT2 và một ô đất trường học ký hiệu TH, do không có năng lực trong lĩnh vực giáo dục nên dự án đang kêu gọi chủ đầu tư thứ phát thực hiện xã hội hoá, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có nhà đầu tư có đủ năng lực điều kiện để tham gia thực hiện dự án thành phần.

Tương tự, về quỹ đất 20% phải trả lại cho Thành phố, dự án này có 4 lô gồm NC3, NC4, NC5 và NC6, thì cũng mới thực hiện xong hạ tầng kỹ thuật lô NC6 và đã bàn giao cho thành phố năm 2014, còn lô NC3 đã GPMB nhưng xảy ra lấn chiếm nên chưa được hoàn chỉnh, chưa bàn giao cho Thành phố. Trong khi đó, các lô NC4, NC5 nằm ở giai đoạn 2 chưa GPMB, để chờ phối hợp cùng với việc GPMB dự án mở rộng đường 70.

chiếm đất ở dự án đô thị mới Cầu Bươu

Một trong những công trình xây kiên cố trên đất lấn chiếm ở dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu

Lấn chiếm - giải tỏa nhiều lần như... trò đùa

Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ được ông Cương đặc biệt nhấn mạnh, đó là dự án bị lấn chiếm nhiều đất và nhiều lần.

Theo ông Cương, khoảng 4.000 m2 đất dự án đã được giải phóng mặt bằng và công ty đã nộp đủ tiền sử dụng đất cho Thành phố nhưng bị các đối tượng xã hội đen tái lấn chiếm nhiều lần và do các thành phần "xã hội" thực hiện.

Trước đây, công ty sử dụng lực lượng bảo vệ nội bộ, nhưng sau này đã phải thuê một công ty an ninh quốc tế. Đến nay, việc lấn chiếm mới không còn xảy ra, nhưng phần đất đã bị lấn chiếm (khoảng 4.000m2) thì không có cách nào để giải tỏa dứt điểm.

“Có ý kiến cho rằng chúng tôi không rào chắn, nhưng chúng tôi có rào được đâu mà rào. Có phương án rào nhưng không rào nổi. Đầu gấu đầu mèo không cho mình rào. Tôi là người quản lý, chúng tôi cảm thấy rất nhục nhã là để người ta lấn chiếm, nhưng chẳng lẽ xua cán bộ công nhân viên ra để đương đầu, để đâm chém à? cực khó! Tâm trạng của tôi rất là tâm trạng. Mà họ cướp trắng trợn. Họ lấn chiếm để làm nhà” - ông Cương chán nản nói.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội về vai trò của chính quyền, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch xã Thanh Liệt còn bức xúc hơn, bởi xã đã phối hợp với huyện giải tỏa “không biết bao nhiêu lần”, nhưng sau đó doanh nghiệp lại không giữ được.

“Việc sử dụng, quản lý, thực hiện các nội dung trong dự án là của chủ dự án. Khi có các vụ việc lấn chiếm xảy ra, được thông báo thì chúng tôi chỉ đạo lực lượng thanh tra đến giải quyết, cưỡng chế. Có những công trình cưỡng chế 4 lần nhưng cứ bàn giao cho chủ đầu tư thì họ không giữ được.” – ông Phong thông tin.

Nhận định đây là một “sự bất lực đối với việc quản lý của doanh nghiệp”, Chủ tịch xã Thanh Liệt cho biết, trên địa bàn phường Thanh Liệt có nhiều dự án nhưng chưa có trường hợp nào như doanh nghiệp này.

“Khi chúng tôi bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp thì họ phải có trách nhiệm quản lý và bảo quản, nhưng doanh nghiệp này không thực hiện được, để xảy ra tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm. Sau này chúng tôi phải có ý kiến là khi chúng tôi cưỡng chế xong thì phải có biện pháp quản lý ngay, rào tôn, đặt các cục bê tông to vào.

"Hoặc ở lối vào khu đô thị này chỉ có một lối độc đạo, có barie chắn, nhưng bảo vệ không có biện pháp. Công ty này quá yếu kém, để cho các xe của đối tượng vi phạm trà trộn vào các xe công trình chở vật liệu vào xây dựng công trình lấn chiếm. Xây dựng thì rất nhanh, khi nhận được báo cáo , hôm sau vào đã thấy xây được lưng nhà.

"Chúng tôi xử lý lấn chiếm không biết bao nhiêu lần ở đây, tốn kém nhiều tiền bạc, tốn chi phí của đơn vị vì xã không có kinh phí. Tôi cũng thấy rất xót ruột” - ông Phong tiếp tục nêu quan điểm về sự yếu kém đến mức khó tin của Chủ dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu.

Dẫn chứng thêm về sự bất lực đến khó tin của doanh nghiệp, ông Phong nói: “Nhà bảo vệ của doanh nghiệp mà để các đối tượng đổ ụp cả mái tôn lên chốc mà chả làm gì được. không hiểu công tác quản lý kiểu gì. Chúng tôi không có lực lượng, không có chức năng đi làm những việc này, nhưng những vụ việc xảy ra ảnh hưởng đến công tác trật tự của địa phương. Cứ xử lý đi xử lý lại như trò đùa. Hiện tại có vài chục trường hợp tồn tại nhưng xử lý khó khăn do công ty không rào chắn, dân tự nhổ cột mốc cắm lại lung tung.”

Đáp lại lời Chủ tịch xã, Giám đốc dự án Phạm Duy Cương uể oải nói: “Có rào được đâu mà đặt. Muốn rào cũng không rào được!”

Lấn chiếm đất

Trưởng đoàn giám sát Ngọ Duy Hiểu (trái) và Giám đốc dự án Phạm Duy Cương đi thị sát thực địa tại khu đô thị mới Cầu Bươu

Chiếm đất bán trao tay, đe dọa doanh nghiệp, chặn đường đánh cán bộ

Điều khó khăn hơn, khi trao đổi với VnMedia, Chủ tịch xã Thanh Liệt cho biết, là sau khi tái lấn chiếm nhiều lần, các đối tượng đó đã xây nhà kiên cố bán trao tay cho những người khác, thường là các vợ chồng trẻ, có con nhỏ, ít tiền. Khi lực lượng cưỡng chế đến thì họ xua những trẻ nhỏ ra khóc lóc, chửi bới…, khiến cho lực lượng chức năng không thể làm gì được.

Chủ tịch xã Thanh Liệt cũng cho biết đã kiến nghị huyện và bên công an xem có những vi phạm có khép vào tội danh nào theo luật hình sự không,” chứ theo luật hình sự thì 500 nghìn trở nên đã bị truy tố mà đây lấn chiếm mấy chục mét đất, xây vớ vẩn bán trao tay cũng được dăm bảy trăm triệu nên nhờn, thách thức cả chính quyền địa phương.”

Bổ sung thêm về tình trạng lấn chiếm đất của dự án, vị thanh tra xã Thanh Liệt cho biết, những năm gần đây đã cưỡng chế 43 trường hợp, hơn 10.000m đất có biên bản bàn giao cho Công ty nhưng Công ty không giữ được.

“Chúng tôi bị nhắn tin đe doạ, đã từng bị chặn đường đánh trộm. Chúng tôi đã đề nghị Công ty đặt camera an ninh quay rõ đối tượng phá rào, để chuyển qua cho cơ quan công an, nhưng công ty không làm.” - vị đại diện thanh tra nói.

Trước những điều khó hiểu xảy ra tại dự án này, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi: Tại sao các dự án khác họ không bị lấn chiếm mà mình lại bị?”

Trả lời cho câu hỏi này, ông Cương nói: “Chúng tôi cũng có nhiều dự án nhưng chưa dự án nào bị như thế này. Cái này quá phức tạp. Tôi nói chân thành là trách nhiệm phải làm, nhưng nhiều khi chúng tôi bảo nhau: làm lấy sống hay lấy chết. Nó căng thẳng đến mức giữa sống và chết. Tôi đã từng bị chúng nó mang vòng hoa đến đặt trước cửa".

“Thế tại sao các anh không trả lại dự án cho Thành phố?” - ông Ngọ Duy Hiểu tiếp tục hỏi và ông Cương không trả lời thẳng vào câu hỏi mà lại tiếp tục than: “Vì nó quá phức tạp. Nếu chỉ đạo anh em cứ xông ra có chuyện gì thì tôi chết cũng không nhắm được mắt".

Sau khi nghe các bên báo cáo, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi: “Dự án hiện còn tới  5 hạng mục nữa không nằm trong diện khó GPMB nhưng vẫn không triển khai?”

“Tôi cho rằng, tâm lý của dân thấy doanh nghiệp thu hồi xong nhưng không làm, bỏ trống, dựng tạm nhà cho thuê làm việc nọ việc kia, sử dụng sai mục đích. Họ cho rằng doanh nghiệp chiếm được thì dân chiếm được. Còn nếu khi được bàn giao xong, GPMB xong, làm ngay hàng rào thì trừ những dạng quá đầu bò đầu bướu mới dám phá hàng rào mà chui vào lấn chiếm” - đại biểu Cường nhận định.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói: “Dân nhìn thấy chủ đầu tư không sử dụng đúng mục đích, cho dựng lán kinh doanh buôn bán… nên họ cũng làm theo, ban Quản lý dự án phải đánh giá lại khách quan về công tác quản lý chưa tốt. Cơ quan chính quyền cưỡng chế bàn giao 4 lần mà không làm được thì phải xem lại năng lực".

Đáp lại, Giám đốc dự án lại tiếp tục kêu: “Bọn tôi xác định chuyện này không thể kéo dài, kéo dài bao nhiêu thì cuộc đời anh em tôi ngắn lại bấy nhiêu. Chỗ này GPMB nó đặc biệt lắm, huyện cũng quan tâm nhiều lần chỉ đạo nhưng họp chưa xong bên ngoài đã biết. Đặc biệt kinh khủng hơn, đối tượng lấn chiếm cũng đặc biệt!”

Ông Cương cũng nhấn mạnh thêm: “Mỗi lần cưỡng chế, chi phí, phương tiện Công ty phải bỏ ra về mặt tài chính.  Không phải bọn tôi không nghĩ, giữa cái được cái mất cái còn cần cân nhắc. Đặt bục bê tông, làm cái gì chúng tôi cũng làm rồi nhưng cứ làm ra là bị phá, bị đe doạ. Chúng tôi đề nghị thành lập đoàn công tác giúp chúng tôi cắm lại mốc, xác định ranh giới lấn chiếm” - ông Cương nói.

Cần khởi tố các đối tượng vi phạm

Sau khi nghe các ý kiến, Trưởng đoàn Giám sát Ngọ Duy Hiểu kết luận, quá trình thực hiện dự án bộc lộ nhiều vấn đề, lấn chiếm đất đai không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn là kỷ cương, pháp chế. Ngoài ra, công sức để bỏ giải quyết việc này của xã là rất nhiều nên chắc chắn doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đầu tiên.

“Ngay từ đầu các giải pháp của doanh nghiệp là chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tương thích, khi có vụ việc xảy ra cảnh báo, phối hợp chưa kịp thời. Nếu cứ kiến nghị chung chung, các đồng chí cứ sợ sẽ mất mạng thì chỉ có tồn tại mãi thế này” - ông Hiểu nói.

Trưởng đoàn Giám sát cũng cho rằng doanh nghiệp và địa phương nên đề nghị công an huyện khởi tố vài đối tượng thì mới có tính răn đe.

“Cát tặc còn hung dữ hơn nhiều, nhưng vẫn phải chiến đấu. Và bây giờ cát tặc đã giảm, giá cát đang tăng gấp đôi. Đừng vừa thấy nó nhắn tin đã sợ, thấy nó mang vòng hoa đến kệ nó. Cùng lắm là đề nghị Thành phố hỗ trợ, cử người xuống theo dõi nắm bắt các đối tượng, bắt tại chỗ vài đối tượng, xử lý nghiêm. Giải pháp phải mạnh và quyết liệt hơn nữa. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo UBND Thành phố để có giải pháp. Càng để lâu càng khó khăn” - Trưởng đoàn Giám sát nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại việc doanh nghiệp sử dụng sai mục đích một số mảnh đất đã GPMB ảnh hưởng đến tâm lý người dân”.

Nhóm phóng viên


Ý kiến bạn đọc