Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 9, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau sau khi tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp tục được đại biểu trao đổi là việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15 dự thảo Luật Chính phủ trình). Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đề xuất hai phương án; trong đó, phương án 1 là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Phương án 2 là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Qua tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phương án 1 dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, tại Công văn số 3590, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì đề nghị chỉ giữ một phương án là phương án 2, theo đó, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, về mặt lý luận, Hiến pháp ghi nhận cả Quân đội và Công an cùng tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh. Lâu nay, Quân đội vẫn sản xuất, nhập khẩu vũ khí, nhưng Công an cũng có xưởng sản xuất công cụ phục vụ cho ngành. Thực tế trình tự thủ tục nhập khẩu, sản xuất phải qua Chính phủ, cao hơn nữa là Bộ Chính trị. Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, chọn phương án 1, luật hóa cho Quân đội và Công an thực hiện việc này, còn phạm vi, mức độ thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Võ Trọng Việt, bản chất của 2 phương án là một, phương án 1 là luật hóa toàn bộ, phương án 2 là “lưỡng” luật, quy định đối với Quân đội thì đưa vào luật, còn với Công an là Chính phủ quy định. Do vậy, đề nghị đưa ra Quốc hội thảo luận cả hai phương án, xin ý kiến Bộ Chính trị theo hướng phương án 1.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng theo phương án 2 cũng tốt, vì trong một nước mà hai bộ được xuất nhập khẩu vũ khí cũng gây khó cho việc quản lý. Nhưng hai đơn vị này đều có đủ tư cách pháp nhân, theo quy định của Hiến pháp, do đó cần tính phương án phù hợp hơn với điều kiện trong nước. Xu hướng chung là xã hội hóa. Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, trường hợp không thống nhất được sẽ đưa ra Quốc hội xem xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cho thực hiện theo phương án 2, vì căn cứ vào pháp lý là đủ, nhưng căn cứ vào thực tiễn là chưa phù hợp. Giải thích của Bộ cho thấy, trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã được đầu tư sản xuất vũ khí nhưng năng lực sản xuất còn thấp, chưa đạt đến 50%. Hiện sản xuất vũ khí chủ yếu phục vụ trong nước, chưa đến mức phục vụ xuất khẩu. Các loại vũ khí được trang bị của Bộ Công an thiếu không nhiều, cần thiết Bộ Quốc phòng sẽ sản xuất. Nước ta còn nghèo, phải đầu tư tập trung để tránh lãng phí. Tất nhiên, sau này cũng phải tính đến cơ chế đặt hàng, xã hội hóa nhưng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần đầu tư tập trung.
Còn đại diện cơ quan soạn thảo, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cả hai phương án đều không có vướng mắc, vì đều phải tuân thủ pháp luật. Trong phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, có nhiều loại vũ khí trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu, thậm chí có vũ khí mua trong nước sản xuất nhưng còn đắt hơn nhập khẩu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đưa quan điểm: Vật liệu nổ và vũ khí là do Nhà nước quản lý và vấn đề quan trọng là phải quản lý hiệu quả nhất, đây là lĩnh vực đặc thù.
Ông Bình đề nghị Chính phủ đánh giá về hiệu quả của việc nghiên cứu, chế tạo, nhập khẩu vũ khí thời gian qua của cả Bộ Quốc phòng và Công an.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ Quốc phòng mới sản xuất hết 50% công suất, nếu Bộ Công an cũng vậy thì sẽ là lãng phí. Ông Thanh đề nghị trình Bộ Chính trị cho ý kiến về vấn đề này. Đồng quan điểm với ông Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên trình Bộ Chính trị cho ý kiến nhưng khi trình ra phải thể hiện quan điểm là theo phương án nào. Thủ tướng đề nghị phương án 2 để tận dụng cho hết năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng, khi cần thiết phải chế tạo, nhập khẩu những vũ khí phục vụ cho lực lượng công an thì Chính phủ quy định. Phương án 2 không loại bỏ vai trò của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an trong hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, nhập khẩu vũ khí nhưng do xuất phát đặc thù của ngành Công an nên Chính phủ quy định cho sát với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và linh hoạt hơn với thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, chọn phương án 1 lại có cơ sở vững chắc là Điều 68 Hiến pháp 2013 về xây dựng công nghiệp quốc phòng an ninh, nếu chọn phương án 1 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp. Bộ Công an có thể nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Cả hai phương án đều phù hợp với Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi trình Bộ Chính trị, nên thể hiện thống nhất với phương án 1 theo ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhằm bảo đảm cơ sở thuận lợi, không để trong một nền công nghiệp, nơi Luật quy định, nơi Chính phủ quy định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định nổ súng (Điều 21 dự thảo Luật Chính phủ trình). Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ lại nội dung này như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, để quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Thường trực Ủy ban này thống nhất với cơ quan soạn thảo, tách Điều 21 thành 2 điều (Điều 21a về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; Điều 21b về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự) như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ về các trường hợp được nổ súng như trường hợp đang bị truy nã, người đang chấp hành hình phạt tù có hành vi chạy trốn, đánh tháo, trốn chạy khi bị giam giữ...
Theo Vietnamplus
Ý kiến bạn đọc