(VnMedia) - Theo kế hoạch, đến hết tháng 9 năm 2017, ngành y tế Hà Nội phấn đấu lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho 100% người dân trên địa bàn Thành phố, trong đó có cả lao động tự do như thợ xây, người giúp việc...
Dùng phần mềm tin học để quản lý, liên thông
Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố sẽ huy động tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế hiện có tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tham gia vào khám và lập hồ sơ sức khoẻ.
Theo kế hoạch, 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ sử dụng phần mềm tin học để quản lý hồ sơ sức khoẻ cho toàn bộ người dân và kết nối với toàn bộ các cơ sở y tế của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, sẽ sử dụng phần mềm tin học để lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân từng người dân; sử dụng thông tin cá nhân người dân từ dữ liệu dân cư của thành phố cung cấp để thiết lập hồ sơ sức khoẻ về hành chính;
Cập nhật thông tin sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe qua khai thác trực tiếp khi người dân đến khám, qua kết quả các lần khám trước và qua các chương trình y tế (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh xã hội, TCMR, y tế học đường…)
Lập danh sách người dân thành các nhóm đối tượng để chuẩn bị khám sức khoẻ như: nhóm trẻ em dưới 6 tuổi (đến lớp và không đến lớp); học sinh (từ tiểu học đến trung học phổ thông); sinh viên (ĐH, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề); Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức xã hội, xí nghiệp, doanh nghiệp; Người cao tuổi, hưu trí (từ 60 tuổi trở lên, người nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng); Người lao động tự do và người khác (nội trợ, buôn bán nhỏ, thợ xây, giúp việc…) ngoài các đối tượng đã nêu ở trên.
Danh sách các nhóm trên được lập theo từng thôn, bản dân cư để thuận lợi cho việc tổ chức khám sức khoẻ. Mỗi cán bộ trạm y tế được giao phụ trách một khu vực dân cư để chịu trách nhiệm theo dõi và đôn đốc quá trình thực hiện.
100% người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội sẽ được khám, lập sổ theo dõi sức khỏe. Ảnh minh họa |
Mọi người dân đều được khám mỗi năm một lần
Theo kế hoạch, việc tổ chức khám sức khoẻ cho từng người dân được thực hiện như sau: Tổ chức khám sức khoẻ lần đầu và khám định kỳ mỗi năm một lần cho từng người dân; tổng hợp thông tin sức khoẻ của người dân theo từng nhóm đối tượng để chăm sóc, theo dõi và quản lý.
Nội dung khám bao gồm khám lâm sàng và khám cận lâm sàng. Trong đó, khám lâm sàng bao gồm khám toàn thân (cân nặng, chiều cao, mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thởi); khám nội khoa (tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần…); khám ngoại khoa (vận động, cơ, xương, khớp…); khám tai mũi họng; khám răng hàm mặt; khám mắt; khám phụ khoa.
Nội dung khám cận lâm sàng (sẽ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa) bao gồm: huyết học, sinh hoá máu, siêu âm ổ bụng tổng quát..
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dung cho biết, Sở sẽ thành lập các đoàn khám, mỗi đoàn ít nhất 30 người, trong đó tối thiểu 11 bác sĩ, 11 điều dưỡng, kỹ thuật viên, 6 người nhập dữ liệu, 2 người đón tiếp. Mỗi quận huyện thành lập 3-5 đoàn khám thuỳ theo số lượng người khám. Nguồn nhân lực huy động từ các bệnh viện trên địa bàn, các trung tâm y tế và y tế tư nhân.
Sở Y tế cũng sẽ xây dựng lịch khám cụ thể cho từng xã, phường, trị trấn, cho từng nhóm đối tượng theo hình thức cuốn chiếu.
Việc khám tại trạm y tế xã, phường, thị trấn bao gồm: trẻ em dưới 5 tuổi không đến trường; người cao tuổi, hưu trí; người lao động tự do và người khác. Khám tại các trường học cho trẻ 6 tuổi đến trường, học sinh, sinh viên. Khám tại các cơ quan đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
"Nếu các đối tượng trên đã khám sức khoẻ trong vòng một năm thì không cần khám lại, chỉ cập nhật kết quả đã khám vào hồ sơ sức khoẻ. Các đối tượng khi khám nếu phát hiện có bệnh thì được điều trị tại trạm y tế hoặc chuyển tuyến theo quy định" - ông Dung thông tin.
Về việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên cơ sở xác định rõ tiền sử bệnh tật gia đình, tiền sử bệnh tật cá nhân hoặc yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, các cơ sở y tế sẽ tư vấn về phòng bệnh, khám định kỳ, theo dõi sức khoẻ; tư vấn về dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, luyện tập thể thao, chăm sóc sức khoẻ sinh sản; tư vấn về điều trị tại trạm y tế hoặc chuyển tuyến khám, điều trị phù hợp với trình độ chuyên môn.
Sở sẽ sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử của Thành phố để quản lý sức khoẻ cho nhân dân; đảm bảo liên thông, đồng bộ, gắn với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm Y tế; Rà soát các chương trình y tế đã thực hiện để tích hợp dữ liệu vào hồ sơ sức khoẻ cá nhân; tổ chức cập nhật ngay dữ liệu khám sức khoẻ vào hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử theo phần mềm quản lý sức khoẻ.
Đặc biệt, hồ sơ sức khoẻ sẽ được đảm bảo tính bảo mật. Việc sử dụng phần mềm quản lý sức khoẻ chỉ phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh và chiết xuất các thông tin phục vụ công tác quản lý y tế cộng đồng.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai việc khám, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe nhân dân trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian từ 11/3 đến 30/9/2017. Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ Quỹ bảo hiểm Y tế, Ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc