(VnMedia) - Trong quá trình kiểm tra xử lý sai phạm, khi cơ quan chức năng hỏi, chính những người nấu rượu ở các địa phương, các làng nghề cũng khai có pha methanol vào “theo tỷ lệ nhất định”…
Thông tin được đưa ra tại cuộc Tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 23/3.
Quy định chặt chẽ, thực thi lỏng lẻo
Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý chuyên ngành về kinh doanh rượu. Hoạt động sản xuất kinh doanh rượu là sản xuất kinh doanh có điều kiện, vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, do vậy tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các DN có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Luật An toàn thực phẩm cũng quy định rượu là sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nên phải được đăng lý bản công bố hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
Chưa hết, theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, DN muốn sản xuất và phân phối, phải được cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Trường hợp sản xuất kinh doanh không có giấy phép và phân phối rượu ra thị trường không đạt tiêu chuẩn là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, còn có quy định về dán nhãn hàng hóa.
Như vậy, có thể thấy, để quản lý mặt hàng rượu có đầy đủ các văn bản pháp lý từ Luật đến Nghị định, Thông tư... nhưng theo ông Cường, việc thực hiện lại không hề đơn giản. Trên thực tế, vì lợi nhuận, không ít trường hợp vi phạm các quy định pháp luật của nhà nước, lợi dụng mác “rượu quê” nhưng thực chất là sử dụng cồn công nghiệp không được phép cho vào thực phẩm để chế biến sản xuất rượu giá rẻ, rượu pha nước lã cộng với cồn công nghiệp, với giá chỉ 12.000-15.000 đồng/ lít.
Theo ông Cường, với hành vi gian lận này, cộng với số lượng các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ tự phát rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng thanh kiểm tra của Bộ Công thương, Bộ Y tế mà vai trò của chính quyền địa phương, trách nhiệm cộng đồng là vô cùng quan trọng. “Chỉ có từ cơ sở mới phát hiện kịp thời được các hành vi vi phạm, ngăn chặn hành vi phạm tràn ra thị trường” - ông Cường nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho rằng, vấn nạn ngộ độc rượu chứa methanol thực sự đáng lo ngại song điều quan trọng là các địa phương vào cuộc như thế nào, chính quyền cơ sở có quản lý, xử lý được sai phạm hay không.
Cũng theo ông Trần Hùng, việc phối hợp giữa các bộ ngành phải được xem xét xem có thực sự hiệu quả hay không, bởi cùng một sản phẩm là rượu song khi có vấn đề gì lại không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng nhận định, hiện các cơ quan chức năng không thiếu cơ sơ pháp lý để quản lý rượu song vấn đề là có quản lý được tận gốc sản phẩm hay không, bởi nếu một hộ nấu rượu thủ công, quy định phải đăng ký kinh doanh như một DN thì Phòng Y tế xã, phường không thể quản lý. Trên thực tế thì đến nay, không có cơ sở nấu rượu thủ công nào đăng ký kinh doanh tại UBND xã, phường.
Rượu tự nấu cũng pha thêm methanol
Đáng chú ý, đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chỉ tính từ hôm 10/3 đến nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã tạm giữ gần 8.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Trong quá trình kiểm tra xử lý sai phạm, khi cơ quan chức năng hỏi, chính những người nấu rượu ở các địa phương, các làng nghề cũng khai có pha methanol vào “theo tỷ lệ nhất định.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia thực phẩm Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhiều cơ sở sản xuất rượu không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, các thiết bị chưng cất thô sơ bằng phương pháp truyền thống nên dù không chủ động cho thêm methanol thì cũng không khử được lượng methanol sản sinh trong quá trình lên men.
Theo đại diện của DN rượu Vodka- Men, trong 5 năm vừa qua, chỉ một phần rất nhỏ các đơn vị sản xuất có dán tem và đăng ký bản công bố hợp quy về chất lượng theo đúng quy định của Nghị đinhh 94.
Đại diện Vodka- Men cho rằng, với 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế, nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.
“Hậu quả nghiêm trọng của việc này không chỉ là những ca ngộ độc cấp tính nghiêm trọng dẫn đến nhiều ca tử vong gần đây mà còn để lại những hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ và sức khoẻ của người dân Việt Nam” - đại diện Vodka-Men nhấn mạnh.
Với những hệ lụy do rượu chứa methanol gây ra thời gian qua, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam đề xuất, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đặt vấn đề rằng, từ xưa đến nay người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc methanol mà gần đây lại tăng mạnh? Theo các đại biểu, nguyên nhân là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào chứ không phải cứ rượu tự nấu là gây ngộ độc.
Với phân tích như vậy, các đại biểu cho rằng, điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc ít nhất cũng phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ để không thể cho vào rượu được.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc