(VnMedia) - “Cán bộ một số bộ phận như tài nguyên môi trường, đô thị phải làm việc đến 8-9h tối cả thứ 7, Chủ nhật là bình thường. Một số Phó Chủ tịch phường xin nghỉ vì không chịu được sức ép” - Chủ tịch quận Long Biên nói.
Ngày 29/3, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Hà Nội đã tập trung tổ chức tinh gọn, bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn; việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở địa phương để thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh, vận hành theo tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và một việc - một đầu mối xuyên suốt.
Cụ thể, Hà Nội đã rà soát 22 sở và 5 đơn vị tương đương; xác định lại chức năng nhiệm vụ đến từng phòng ban. Sau đó xắp xếp tổ chức lại bộ máy các đơn vị này. Các sở giảm từ 204 xuống 158 phòng; giảm 266 trưởng phòng và 116 phó phòng; các quận huyện giảm từ 169 còn 66 đơn vị sự nghiệp; giảm từ 71 xuống còn 41 ban quản lý dự án...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc Hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, trong giai đoạn 2011-2016, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả rất tốt trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, ngoài những con số ấn tượng thì bằng chứng thuyết phục nhất là kết quả chỉ đạo phát triển KT-XH hai năm qua là kết quả, đóng góp sinh động nhất hiệu quả của công tác này.
Tự chủ là căn cơ để giảm biên chế
Với mục tiêu giảm 10% biên chế vào năm 2021, trả lời câu hỏi của đoàn công tác về biện pháp cụ thể, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, lãnh đạo Thành phố xác định, phải tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công.
Ông Sáng phân tích, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc tinh gọn, xắp xếp lại bộ máy ở sở ngành, quận huyện cũng chỉ giảm được gần 1.000 người, trong khi dự kiến năm 2017, biên chế cho giáo dục đã cần thấp nhất 1.300 người…
Cùng với giáo dục, nhu cầu biên chế của ngành y tế hàng năm cũng rất cao, chiếm quá nửa chỉ tiêu được giao. Lấy ví dụ về việc thí điểm cơ chế ở Bệnh viện Tim Hà Nội với 304 biên chế, ngân sách không phải trả lương mà chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, ông Sáng cho biết, Thành phố đang thí điểm chuyển đổi 10 đơn vị sự nghiệp công thành đơn vị cổ phần và cùng với cơ chế tự chủ, đây sẽ là giải pháp căn bản để đạt mục tiêu giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công việc. Để làm được điều đó, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành để có cơ chế thực hiện.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế. Hiện nay, một số trường hợp muốn nghỉ chưa có cơ chế và đặc biệt, các trường hợp hạn chế năng lực, còn 2 năm mới đển tuổi nghỉ hưu, nay muốn nghỉ nhưng cơ chế hỗ trợ còn thấp nên khó thực hiện…
Bên cạnh đó, Hà Nội khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm, và hưởng 30% thu nhập của vị trí kiêm nhiệm. “Đây là cách làm hay vừa giảm biên chế vừa tăng thu nhập. Hà Nội đang nghiên cứu xem mức 30% đã đủ để khuyến khích chưa, nếu chưa, sẽ đề xuất tăng hơn. Đề xuất này của Hà Nội rất được Bộ Nội vụ ủng hộ”, ông Hải cho biết.
Không giảm biên chế kiểu "chia đều"
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng giảm biên chế thì giảm ở chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu vẫn phải tăng. Bà cho biết thực hiện nghiêm chủ trương tinh giảm biên chế, quận hiện đang phải chịu sức ép nặng. Cán bộ một số bộ phận như tài nguyên môi trường, đô thị phải làm việc đến 8-9h tối cả thứ 7, Chủ nhật là bình thường. “Một số Phó Chủ tịch phường xin nghỉ vì không chịu được sức ép. Tôi đề xuất ở phường không nên giảm biên chế bởi đây là đầu mối rất nhiều phần việc”, Chủ tịch quận Long Biên nói.
Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đồng tình và khẳng định, giảm biên chế là giảm chỗ thừa, người yếu nhưng vẫn phải tập trung cho chỗ cần. Về vấn đề xắp xếp lại bộ máy, theo ĐBQH thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu có thực tế nghe chuyện sáp nhập sở ngành, cán bộ trẻ có năng lực, không thấy còn khả năng lên chức sẽ xin ra ngoài khiến chảy máu chất xám.
Với một số bất cập trong quản lý hiện nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị bộ ngành đổi mới tư duy, chọn người giỏi làm chính sách, tránh tình trạng không áp dụng được và rườm rà thủ tục, nhất là lợi ích luôn thuộc về bộ chủ quản...
”Cán bộ làm chính sách phải có thực tiễn thì chính sách mới thiết thực. Nhiều nơi chỉ đút chân vào gầm bàn thì rất khó có chính sách phù hợp”, ông Hiểu nói.
Ghi nhận những phản ánh của Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội nhấn mạnh, với khó khăn ở cơ sở, như phản ánh của các quận huyện cần chỉ rõ vướng ở đâu, thuộc về ai, do văn bản, hay nghị định một đằng, thông tư một nẻo... Để bộ ngành điều chỉnh lại cho phù hợp.
Trưởng đoàn công tác cũng đồng tình với các ý kiến tại buổi làm việc và nhấn mạnh, tinh giảm biên chế không thể cào bằng, không thể khó ở đơn vị này, đơn vị khác mà chia đều các đơn vị đều phải giảm 10% mà tập trung vào chỗ thừa, khâu yếu; các cơ chế cũng cần thông thoáng hơn để các đơn vị tự chủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội đề nghị các bộ, ngành và Hà Nội xem xét, nghiên cứu phân cấp hơn nữa cho cơ sở để chủ động trong biên chế cơ cấu, tổ chức, sáng tạo, hiệu quả...
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc