Đề xuất hình sự hóa 4 hành vi "dâm ô" với trẻ em

19:18, 29/03/2017
|

(VnMedia) - Tại tọa đàm “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng? diễn ra chiều 28/3, các luật sư kiến nghị bổ sung tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em vào Bộ luật Hình sự, trong đó cần hình sự hóa 4 hành vi “dâm ô” xâm hại tình dục trẻ em. 

Hiếp dâm trẻ em

Ảnh minh họa

Tọa đàm “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức ngày 28/3.

Đây là hoạt động tiếp nối của tọa đàm lần thứ nhất với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em – Im lặng hay lên tiếng”.

Tại buổi tọa đàm, các luật sư đã nêu lên hiện trạng pháp lý trọng chứng hơn trọng cung ở Việt Nam khi cần có bằng chứng cụ thể về xâm ại tình dục mới có thể cấu thành tội phạm. Điều này khiến tội danh dâm ô khó kết tội.

Dự thảo kiến nghị do luật sư Lê Luân (VPLS Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trình bày kiến nghị sửa đổi các tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Theo đó, kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em vào Bộ luật Hình sự, trong đó cần hình sự hóa 4 hành vi “dâm ô” xâm hại tình dục trẻ em. Kiến nghị cũng đề xuất các hình phạt bổ sung liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, sửa đổi một số thủ tục tố tụng hình sự.

Phản biện ý kiến đề xuất biện pháp ngăn chặn thiến sinh học, luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn (ATN Law Firm) lưu ý vấn đề quyền con người. Theo luật sư Tuấn, pháp luật không phải để trừng trị mà để răn đe, cải tạo con người. Tội vi phạm đến đâu pháp luật xử lý đến đó. Có con là quyền cơ bản của con người, biện pháp thiến sinh học có thể vi phạm quyền con người và do đó phải rất cân nhắc khi đưa vào kiến nghị.

Các luật sư tham gia tọa đàm cũng thống nhất rằng, nên quy định ngay nội hàm trong luật thế nào là hiếp, giao cấu, dâm, dâm ô… Ngoài ra, nếu chỉ chú ý đến xử lý tội phạm thì dễ bỏ quên việc bảo vệ nạn nhân. Cần đưa mục tiêu bảo vệ trẻ lên hàng đầu thay vì chú ý đến xử lý tội phạm. Nếu coi xử lý tội phạm là quan trọng nhất, thì các vấn đề còn lại là thứ yếu.

Ngoài ra, nên có hình phạt chính và phụ: bên cạnh chế tài chung là giáo dục – răn đe - phòng ngừa thì nên áp dụng mức phạt tỷ lệ nghịch với tuổi của nạn nhân là trẻ em, theo đó, tuổi càng nhỏ thì hình phạt càng tăng. “Tôi cho đó là phương án dễ làm, khoa học nhất vì tuổi càng nhỏ thì hậu quả càng lớn và lâu dài” – Ls. Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci nói.

Với kinh nghiệm một điều tra viên, ông Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Cục phó Cục điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ công an, chia sẻ: “Tội này được coi là điều tra đặc biệt vì tính tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Vướng nhất của tội này là vấn đề chứng cứ. Nếu không tạo điều kiện để thu thập chứng cứ thì rất khó tố tụng, nhất là với nạn nhân là các em nhỏ. Án tại hồ sơ. Cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể hơn từng biện pháp. Mục tiêu bảo vệ trẻ em và trấn áp tội phạm cần được đặt lên cao nhất”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốcTrung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cảnh báo rằng văn hóa Việt Nam còn định kiến với phụ nữ và trẻ em, và định kiến của người điều tra xét xử có thể cho ra kết quả điều tra khác biệt, cần tỉnh táo, nhất là khi điều tra về xâm hại tình dục.

Sau phần thảo luận và giải đáp câu hỏi của các khách mời, Chủ tọa Mai Phan Lợi hỏi các khách mời “Ai đồng ý đề nghị sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em?” 100% người có mặt giơ tay đồng ý.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc