“Tôi không lo cho bản thân mình nhưng sợ ảnh hưởng đến gia đình, con cái nên xin tạm giấu tên. Đây cũng là điều trăn trở của nhiều giáo viên khác”, một giáo viên Trường Tiểu học Nam Trung Yên chia sẻ.
Lo ngại sau khi lên tiếng nói sự thật
Ngày 18.2, sau khi 3 cô giáo cô Trần Thị Thu Nhung, cô Nguyễn Thanh Tú và cô Vũ Thị Mừng cung cấp nhiều thông tin về sự thiếu chính xác trong phát ngôn của cô Hiệu trưởng Tạ Bích Ngọc cùng các cô trong Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường về vụ việc cháu Trần Chí Kiên, lớp 2A, bị gãy chân, 18 giáo viên trong Trường Tiểu học Nam Trung Yên tiếp tục gửi “Thư bày tỏ” tới các cơ quan báo chí nêu 4 điểm sai sự thật.
Cụ thể các nội dung về thông báo và kết luận sai về việc lấy khảo sát học sinh, giáo viên trong trường; về việc viết “Báo cáo sự việc cần xem xét lại” gửi cơ quan báo chí nhân danh là tập thể cán bộ giáo viên nhà trường là không đúng; có hiện tượng Đảng viên bị lôi kéo, kích động yêu cầu viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết tâm thư để kêu oan cho Hiệu trưởng.
Trường tiểu học Nam Trung Yên |
Sau khi “Thư bày tỏ” của 18 giáo viên được gửi tới các cấp lãnh đạo, các cơ quan báo chí truyền thông, một trong số giáo viên viết thư lo ngại sẽ bị “trù” vì nói trái ý Ban Giám hiệu. Người này cũng cho biết, đã có rất nhiều cuộc điện thoại hỏi xem cô có là người tham gia vụ viết thư này không và đang có rất nhiều người tìm hiểu về 18 giáo viên này.
“Tôi không lo cho bản thân mình nhưng sợ ảnh hưởng đến gia đình, con cái nên xin tạm giấu tên. Đây cũng là điều trăn trở của nhiều giáo viên khác. Mong các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí cũng không công khai danh sách này”, giáo viên này cho hay.
Giáo viên được vận động viết đơn xin giữ hiệu trưởng ở lại?
Trong “Thư bày tỏ”, các giáo viên cho biết có hiện tượng Đảng viên bị lôi kéo, kích động yêu cầu viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết tâm thư để kêu oan cho Hiệu trưởng.
Theo các cô giáo, vào 6.2, sau khi Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xem xét sự việc và đình chỉ chức vụ của Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc trong lúc cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc thì có việc cô Hương – Phó Hiệu trưởng, cùng một số cá nhân đã đi vận động một số giáo viên khác kí vào thư ngỏ xin minh oan và giữ lại cô Hiệu trưởng. Có khoảng 20 giáo viên "thân tín” theo cô hiệu trưởng được vận động, còn nhóm không theo thì không được gọi đến.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc |
Bức thư được cho là “có sự vận động” có nêu: "Đồng chí Ngọc luôn hy sinh quyền lợi cá nhân riêng cho tập thể, cho mọi người... Qua tìm hiểu ở các phụ huynh học sinh, tôi thấy ai cũng quý mến, trân trọng tình cảm của cô Hiệu trưởng dành cho con em mình... Những việc làm của đồng chí Ngọc vì nhà trường, vì học sinh không giấy bút nào kể hết... Tôi thiết nghĩ đánh giá đạo đức, nhân cách một con người phải trải qua một quá trình lâu dài chứ không thể căn cứ vào một việc khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền... Tôi luôn mong muốn đồng chí Ngọc vẫn được giữ cương vị khi đang làm, khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra".
Được biết, những bức tâm thư này đã được gửi tới Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy nhưng đã bị từ chối tiếp nhận.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo nóng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị lãnh đạo TP.Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc học sinh bị gãy chân tại Trường tiểu học Nam Trung Yên.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố sớm kết luận, xử lý nghiêm khắc, nếu có sai phạm để đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục.
Trước đó, sáng ngày 6/2, tại phiên họp UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đơn vị liên quan sớm kết luận vụ học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân trong sân trường.
Đồng thời, chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường THPT Nam Trung Yên đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc để chờ kết luận vụ việc.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng để xảy ra tại nạn phải đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình lên nói chuyện, nhưng hiệu trưởng lại bưng bít.
“Chuyện rất nhỏ nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần trực tiếp nhắc tôi. Không nên để Hiệu trưởng tư cách đạo đức, hành xử không ổn trong môi trường sư phạm, Sở Giáo dục phải rút về Phòng Giáo dục, thay cô khác trong lúc chờ xác minh”, ông Chung chỉ đạo.
Em Trần Chí Kiên đang phải bó bột |
Ông Chung yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT “ngay hôm nay xuống trường ra văn bản điều chuyển hiệu trưởng".
Điều lạ ở đây, đó là, dù chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên do liên quan tới taxi nghi chở hiệu trưởng làm gãy chân học sinh nhưng ngày 7/2, vị hiệu trưởng này vẫn làm việc bình thường.
Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đang chờ văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội để xử lý. Trong khi đó, lãnh đạo công an quận Cầu Giấy cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Phòng Hình sự Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý.
tổng hợp
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho hay đã tiếp nhận vụ việc vào chiều tối 6/2 và giao cho các bộ phận chuyên môn thu thập thông tin điều tra trên tinh thần sai đến đâu sẽ xử lý.
Ý kiến bạn đọc