Bí thư Hoàng Trung Hải: Kêu gọi xã hội hoá phải tránh kiểu "ban ơn"

06:49, 19/02/2017
|

(VnMedia) - Sốt ruột trước tiến độ chậm chạp của dự án Đường sắt đô thị, trong đó có nỗi lo thiếu vốn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhắc nhở việc kêu gọi xã hội hoá phải kiên nhẫn, tránh kiểu "ban ơn"...

đường sắt đô thị
Ảnh minh hoạ

Sáng 18/2 , Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có cuộc làm việc với Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị.

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 372,5km, bao gồm cả các đoạn kéo dài các tuyến đường sắt đô thị trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh. Trong đó, 140,8km cầu cạn; 167km cầu cạn kết hợp với đi bằng và 64,7km đi ngầm. Khái toán tổng mức đầu tư dư kiến khoảng 700,8 tỷ đồng, tương đương 31,13 tỷ USD.

Khi hoàn thành toàn mạng lưới (dự kiến sau năm 2030), dự báo tối đa sẽ vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt hành khách/ngày, đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 20% của đô thị ngoại ô.

Nếu đến năm 2030 hoàn thành mạng lưới cam kết (4 tuyến: 1, 2, 2A và 3) với tổng chiều dài 94km, chiếm 30% tổng chiều dài toàn mạng lưới, dự báo sẽ đạt 1,8 tiệu lượt, đảm nhận 25-30% thị phần vận tải hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 15% của đô thị ngoại ô.

Tuy nhiên, hiện nay, tuyến số 1 đã bị dừng lại từ 4 năm, tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội chậm so với kế hoạch ban đầu 36 tháng. Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận điều chỉnh, dự kiến sẽ được phê duyệt trong Quý I/2017. Các gói thầu sẽ được thi công từ Quý III/2018 đến quý IV/2024. Còn lại, 7 dự án khác nằm trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 7 tuyến khác chưa có nghiên cứu cụ thể.

“Các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đều có tổng mức đầu tư rất lớn, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư thực sự quan tâm. Trong khi công tác chuẩn bị dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn công yêu cầu thời gian rất dài, nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn hiện nay hết sức khó khăn và hạn hẹp” – ông Minh cho biết.

Kêu gọi xã hội hoá phải kiên nhẫn, tránh kiểu "ban ơn"

Hoàng Trung Hải
Bí thư Hoàng Trung Hải làm việc với Ban Quản lý Dự án ĐSĐT

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Tốc độ hạ tầng như thế này hết sức nguy hiểm."

Ông Hải cho rằng, đường sắt đô thị Hà Nội chủ yếu đi nổi, chỉ có 20% đi chìm, công nghệ “không có gì ghê” mà lớn nhất là giải phóng mặt bằng và tiền.

“Mình chưa kêu gọi xã hội hoá tích cực, doanh nghiệp đến nhưng chúng ta còn ngúng nguẩy, kiểu "các chú tử tế thì anh cho làm", trong khi chúng ta phải vận động người ta làm” – Bí thư nhắc nhở.

Ông Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh rằng, phải có giải pháp quyết liệt, bởi tuyến Nhổn – ga Hà Nội là tuyến cơ bản.

Hệ thống này càng hiệu quả thì đô thị càng văn minh, nếu không đưa vào sớm và đảm bảo tiến độ thì sẽ chịu sức ép về vận tải hành khách công cộng rất lớn. Hiện có 4 đoạn tuyến được triển khai, tuyến 2A được 96%, Nhổn – ga Hà Nội được 30% và đã vượt qua giai đoạn khó khăn, hiện đang triển khai các phần ngầm. Dù vậy, nếu hoàn thành thì 2021 mới có được 20% chiều dài tuyến. Đến 2030, cố gắng mới đưa vào được 30% chiều dài.

“Thành phố phải nỗ lực hơn, đẩy nhanh hơn. Chúng ta định hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân thì phải có phương tiện thay thế hiện đại, văn minh, hợp lý thì nhân dân mới đi. Không dùng cơ chế đặc thù, hiệu quả hơn thì không đáp ứng được, thấy thảm hoạ mà không tránh được, tắc đường từ 1km rồi đến 5km. Đô thị không còn là văn minh hiện đại, không nhìn thấy gì, toàn thấy người và khói bụi. Giải quyết giao thông văn minh cũng là giải quyết vấn đề môi trường” – ông Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, Ban Quản lý dự án ĐSĐT cần chuyên nghiệp, quá trình kiện toàn phải hết sức lưu ý về nhân sự, phải kiểm soát được tiến độ công việc. “Chỉ chậm một tí là mất bao nhiêu tiền, phải gỡ hàng ngày các vướng mắc của dự án” – ông Hải yêu cầu, đồng thời đề nghị các đơn vị khi kêu gọi đầu tư phải hết sức kiên nhẫn, không làm kiểu "ban ơn".

Ông Hoàng Trung Hải cũng đánh giá, tuyến số 5 từ vành đai 4 ra Hoà Lạc nếu làm được sẽ rất thiệu quả, tuyến đi Xuân Mai hay Ga Hà Nội ra Nhổn – Trôi…, đều là những tuyến cấp bách, là những dự án giao thông giúp giãn được dân trong trung tâm đô thị ra ngoài.

“Khi đầu tư dự án giao thông, thấy vốn liếng khó khăn thì nản, nhưng các dự án này lại tạo ra nguồn lực tương lai. Chúng ta phải mạnh dạn và cần đề xuất cơ chế đặc biệt, chứ 2030 mới được 30% số tuyến thì ban căng lắm, trong khi số dân cứ phát triển lên” – Bí thư nói.

Theo ông Hải, các dự án chuẩn bị đầu tư mới cũng phải đẩy sớm, không thể tiếc tiền. “Các đồng chí phải lưu ý mấy tuyến nối các đô thị vệ tinh. Người dân sẵn sàng ra đó sống nếu chúng ta chứng minh được, với ĐSĐT, họ đi tối đa chỉ mất 30 phút là vào đến trung tâm, nếu không thì xây đẹp như giời họ cũng không ra” – ông Hải nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt những yêu cầu của dự án, Bí thư Hà Nội đặc biệt lưu ý việc bố trí cán bộ phải có tính chuyên nghiệp.

“Cần rà soát lại cả trưởng, phó phòng, không có người đủ trình độ phải dừng lại để đi tìm. Không bố trí kiểu “lấy được”. Làm không chuyên môn, không chuyên nghiệp, người sau gỡ mới chết” – Bí thư cảnh báo.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc