“Dự kiến đêm nay, chúng tôi sẽ đưa hai đầu tàu, toa tàu này vào trị trí đường ray ở khu depot Hà Đông”, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT, cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) sau khi về đến cảng cá Hạ Long (Hải Phòng) vào 12/2, hai đầu tàu, toa tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đến Hà Nội lúc 4h sáng nay 19/2.
Đoàn tàu đầu tiên gồm hai đầu máy, hai toa chở khách đã tới Hà Nội |
“Dự kiến đêm nay, chúng tôi sẽ đưa hai đầu tàu, toa tàu này vào trị trí đường ray ở khu depot Hà Đông”, ông Phương nói.
Cũng theo vị này, sở dĩ việc vận chuyển các đầu tàu, toa tàu từ Hải Phòng lên Hà Nội mất thời gian khá lâu vì hành trình di chuyển khá lòng vòng. Để vận chuyển các toa tàu này, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép vận chuyển cho đoàn xe siêu trường siêu trọng di chuyển theo lộ trình từ Cảng Hải Phòng theo Quốc lộ 5 cũ rẽ về Quốc lộ 10 qua Thái Bình, sau đó đi qua Phủ Lý (Hà Nam) ra Quốc lộ 1A cũ rồi về Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển 2 đầu máy và hai toa chở khách được niêm phong, phủ bạt kín.
Đây là đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 13 đoàn tàu sẽ được sử dụng, vận hành trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra còn 50 toa tàu chở khách khác sẽ được nhà thầu tiếp tục vận chuyển về Việt Nam.
Toàn bộ lô hàng được chằng chằng néo chắc chắn trong khi vận chuyển |
Địa điểm tập kết lô hàng tại đường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội).
Ông Phương thông tin thêm theo kế hoạch, đến tháng 7, tuyến đường sắt trên cao sẽ đóng điện. Đến tháng 9, tuyến đầu tiên của Hà Nội chạy thử liên động. Thời gian chạy thử là 3-6 tháng. 12 đoàn tàu còn lại, sẽ chia làm 3 đợt tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt 2A) đã hoàn thành khoảng 90% tiến độ, 12 nhà ga chính đã xây dựng xong. Nhà ga lớn nhất toàn tuyến (ga số 1) ở điểm đầu Cát Linh đang trong quá trình hoàn thiện.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công năm 2011 gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga... Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử liên động vào tháng 9 năm nay. Tuyến đầu tiên của Hà Nội sẽ chính thức khai thác thương mại vào quý I/2018.
Được biết, trọng lượng mỗi đầu máy nặng 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng ngang 2,8m; toa tàu chở khách nặng 32 tấn và các thông số khác đều giống đầu máy. Tàu sử dụng động cơ điện DC 750V với phương thức cấp điện từ ray thứ 3, đoàn tàu này có tốc độ tối đa vào khoảng 80 km/h. Một đoàn tàu với 4 toa có thể chở trên 1.300 người.
Được biết, phía đơn vị sản xuất không sản xuất toàn bộ chiếc tàu đường sắt này. Có những bộ phận được nhập từ châu Âu như các thành phần của động cơ điện. Ống thép liền của động cơ nhập từ Nhật Bản, khung tàu được chế tạo bằng kết cấu thép không rỉ nhập khẩu từ Đức, vòng bi hộp trục nhập từ hãng SKF của Đức và khớp nối được nhập từ hãng ESCO của Bỉ.
tổng hợp
Ý kiến bạn đọc