Việt Nam: Thu nhập 1 ngày của người giàu nhiều hơn 10 năm của người nghèo

12:10, 12/01/2017
|

(VnMedia) - Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong 1 ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm; Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước...

Đây là một trong những phát hiện của nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam do Oxfam tiến hành trong khuôn khổ Chiến dịch thu hẹp khoảng cách tại Việt Nam.

khoảng cách giàu nghèo
Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm

Báo cáo về bất Bình Đẳng tại Việt Nam và do tổ chức Oxfam công bố hôm nay (12/1) cho thấy, mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam khá lớn. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm.

Còn trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.

Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

Báo cáo cũng chỉ ra, bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị “lề hóa” khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu. Việc không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục do thu nhập thấp và bị phân biệt đối xử đang làm kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo. Vì nghèo nên nhiều hộ không thể đảm bảo việc học hành cho tất cả các con. Trong nhiều trường hợp, một hay hai trẻ trong gia đình, thường là trẻ em gái, phải “hy sinh con đường học hành của mình”.

Người nghèo cũng có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn. Các nhóm thu nhập thấp hơn thường hay sử dụng các dịch vụ y tế công, chủ yếu là trung tâm y tế xã/phường có chất lượng kém hơn.

giàu nghèo
Hội thảo về bất bình đẳng tại Việt Nam

Nghiên cứu cũng tập trung rà soát bốn trụ cột của khung chính sách về bình đẳng, bao gồm hệ thống thuế, “xã hội hóa” các dịch vụ công, chi tiêu công cho y tế và giáo dục, và chính sách cho người lao động. Các chính sách hiện hành của Việt Nam theo bốn lĩnh vực này cho thấy cả điểm mạnh và những điểm cần cải thiện.  

"Qua những phân tích đa chiều về bất bình đẳng, chúng tôi tin rằng để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân." - bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nói.

Theo Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu. Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, và các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội.

“Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt nam và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người  thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế ” - Bà Lefur phát biểu.

Một số ý kiến chia sẻ tại Hội thảo sáng nay:

Mai, một sinh viên đại diện cho giới trẻ, dân tộc Dao:

Tôi đã phải chịu sự bất bình đẳng ngay từ khi còn nhỏ khi điều kiện học tập không được như người kinh. Tôi đi học cách nhà 7km, đường sá khó khăn, phải đạp xe qua các con dốc, khi đến trường thì các khả năng tiếp cận tri thức cũng không được thuận lợi như các bạn người Kinh.

Vân, người khuyết tật:

“Gia đình bạn có 3 anh chị em, trong đó có 2 người khuyết tật nặng. Bố mẹ phải ở nhà chăm sóc con khiến kinh tế rất nghèo. “Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề như không được chăm sóc y tế đầy đủ. Sau này, các Giáo sư của Mỹ khi khám cho tôi đã nói rằng, nếu tình trạng này mà được chăm sóc tốt thì tôi đã đi lại được”.

“Trước đây khi tôi đi vào nhà hàng, người ta sẽ chạy ra cho 2.000 đồng, nhưng nay, tôi khi tôi đi với một người nước ngoài, cũng chính nhà hàng đó họ lại chạy ra đỡ xe lăn và chăm sóc, đó là cách phân biệt đối xử với người có điều kiện hay không có điều kiện”.

A-Súa, sinh viên ĐH Văn hoá: 

Tài nguyên du lịch là của cộng đồng tạo đã gắn bó hàng nghìn năm, nhưng khi du lịch phát triển thì người dân không được hưởng lợi trực tiếp. Ví dụ như Sapa, các tập đoàn lớn xây dựng các khách lớn thì những homstay của người dân bản địa không có khách. Việc tham gia vào tổ chức du lịch chủ yếu là các tập đoàn, cá nhân có tiền.

Chị Oanh, bệnh nhân chạy thận 10 năm: 

Bệnh nhân giàu có tiếng nói trong bệnh viện, hoặc người giàu thì mua được thuốc, người nghèo thì không có tiền; người giàu thì được đón tiếp nhiệt tình hơn, còn người nghèo bị thờ ơ; người giàu thì được khám chữa bệnh theo yêu cầu, được tiếp cận thiết bị y tế hiện đại, người nghèo thì không…

Chị Thái: 

Những tập đoàn thâu tóm những mảnh đất với giá rẻ nhưng xây nhà bán giá cao, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng khiến nhà nước thất thoát; số tiền đó đáng lẽ có thể giúp lo cho người nghèo; nhiều cán bộ chưa có trình độ được bổ nhiệm dễ dàng, trong khi nhiều người có trình độ lại bị mất cơ hội.

 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc