(VnMedia) - Giao thừa năm nay, Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa. Dự kiến, vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các nhà thờ, đền chùa sẽ cùng rung chuông mừng năm mới.
Đây là thông tin được ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ chiều 3/1/2017.
Cũng theo ông Động, vào lúc 20 giờ ngày 30 Tết Nguyên đán, tại các địa điểm như vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ và trung tâm quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, trước cửa sân vận động Mỹ Đình sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao Đêm giao thừa.
Cùng thời điểm, tại trung tâm 30 quận, huyện, thị xã, các khu đông dân cư… dự kiến sẽ tổ chức 60 buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật.
Về hoạt động lễ hội, Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại các quận, huyện, thị xã trước, trong và sau dịp lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu 2017 trong tháng 2,3,4/2017.
"Cùng các đoàn của Thành phố, các quận, huyện cũng phải chủ động thành lập đoàn thanh tra liên ngành để chủ động thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động lễ hội trên địa bàn" - ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT cho biết.
Để đảm bảo các hoạt động lễ hội năm 2017 tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh.
Theo Công văn của UBND TP về thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của các địa phương cần xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám du khách, ăn xin, trộm cắp, đảm bảo an ninh, trật tự; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về số tiền tiết kiệm được do không bắn pháo hoa, ông Động cho biết, mọi năm, việc bắn pháo hoa là xã hội hoá và được các doanh nghiệp chyển thẳng cho Bộ tư lệnh Thủ đô để tổ chức. Năm nay, do thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc không tổ chức bắn pháo hoa để dành tiền ủng hộ người nghèo.
"Trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới, sẽ tăng cường các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Cùng với đó, Sở có công văn đề nghị các đền, chùa, nhà thờ rung chuông vào thời điểm giao thừa" - ông Động thông tin.
Sở Văn hoá Thể thao đã đề nghị các đền chùa, nhà thờ rung chuông vào thời điểm giao thừa |
Dừng hoạt động đò không có phao cứu sinh
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho lễ hội Chùa Hương 2017, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu - Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết khoảng 5.000 người tham gia phục vụ lễ hội chùa Hương năm nay sẽ được tập huấn về luật giao thông, giữ vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Công an xã cũng đã điều tra cơ bản các hộ kinh doanh về điều kiện kinh doanh, nhất là công tác phòng chống cháy nổ..., xây dựng phương án đảm bảo an toàn toàn với 13 tổ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, tăng cường 200 cán bộ, chiến sỹ tham gia phục vụ lễ hội.
Công an TP phân luồng giao thông, đảm bảo không ách tắc, địa phương sử dụng 4 bãi xe, kiểm tra an toàn giao thông đường thuỷ.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng tập huấn và sẽ kiểm tra thường xuyên trong những ngày diễn ra lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định, nhiều năm nay Lễ hội chùa Hương không có vụ ngộ độc nào. Nhưng với lượng khách 60-70.000 người/ ngày, tiêu thụ 5-7 tấn thực phẩm nên công tác này rất được quan tâm. Năm ngoái là 1,4 triệu lượt khách đến tham gia lễ hội.
Năm nay, Ban tổ chức lễ hội vẫn tổ chức việc đốt rác thải để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho không gian lễ hội trên cả đường bộ và suối Yến.
Điểm mới năm nay là các công trình vệ sinh công cộng do UBND, nhà đền, chùa quản lý sẽ miễn phí mà vẫn đảm bảo vệ sinh để phục vụ du khách. Đây là vấn đề được lãnh đạo huyện quyết tâm thực hiện dù công trình vệ sinh cần chi phí lớn vì như Khu vực động hương tích khoảng 600.000 đồng/m3 nước.
Ngoài ra các loại xuồng và đò đều phải trang bị dụng cụ nổi (phao cứu sinh đữ được ban tổ chức đặt và phê duyệt). Nếu không có sẽ phải dừng hoạt động. Người dân đã được quán triệt và đồng tình" - ông Hậu thông tin.
Cùng với đó, năm nay, ban tổ chức quy định, xuồng máy được trang bị cho các lực lượng chức năng thì người trên xuồng phải mặc đồng phục ngành, nếu dùng xuồng máy chở khách sẽ bị phạt.
"Cò" là hiện tượng nhiều năm và chưa xử lý được triệt để vì có những đối tượng "cò liên tỉnh", đón khách từ tận Phủ Lý (Hà Nam), Ba La (Hà Đông)... Chúng tôi đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam để xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên vẫn cần phải làm nhiều nữa" - ông Nguyễn Văn Hậu thừa nhận,
Giá vé lễ hội Chùa Hương năm nay tăng 57% so với năm ngoái (80.000 đồng/vé, trong đó có 2.000 đồng phí bảo hiểm khách du lịch). Tiền thu ngân sách từ lễ hội năm 2017 dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Huyện sẽ dùng để tái đầu tư cho hạ tầng và tổ chức lễ hội chùa Hương.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc