"Việc đánh giá cán bộ vẫn còn nể nang, xuề xòa"

09:01, 20/12/2016
|

(VnMedia) - " Đánh giá công chức thời gian qua chưa phản ánh thực chất là do nể nang, người đứng đầu cũng chưa làm hết trách nhiệm, sợ ảnh hưởng thành tích chung nên nể nang khi đánh giá", ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội Vụ nhận xét.

1
Ông Trương Hải Long (giữa)   Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội Vụ tham gia giao lưu trực tuyến.

Sau 1 năm ban hành, Nghị định 56 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), công tác đánh giá và phân loại CBCCVC đã có nhiều điểm mới, đã mở rộng dân chủ hơn và đánh giá sát hơn.

Tuy nhiên, một số quy định về đánh giá CBCCVC chưa sát với thực tiễn: Công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài, sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận; đánh giá phân loại còn nể nang, né tránh… Do đó, đã dẫn đến một số khó khăn trong công tác sắp xếp, khen thưởng, kỷ luật, tinh giản biên chế, thậm chí tinh giản biên chế sai đối tượng…

Tại buổi toạ đàm “Đánh giá và phân loại cán bộ công chức, viên chức sao cho thực chất” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức vào chiều 19/12, ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội Vụ đưa ra nhận xét, việc đánh giá cán bộ ở nhiều cơ quan đang nảy sinh nhiều vấn đề, có nơi làm quá cận thận, có nơi lại cẩu thả.
 
“Việc đánh giá cán bộ không phải chỉ để phân loại những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Cao hơn điều này, chúng ta muốn làm sao nâng cao chất lượng cán bộ qua khâu đánh giá. Đánh giá công chức thời gian qua chưa phản ánh thực chất là do nể nang, người đứng đầu cũng chưa làm hết trách nhiệm, sợ ảnh hưởng thành tích chung nên nể nang khi đánh giá" - ông Long nhấn mạnh. 

Theo ông Long, nguyên nhân của vấn đề này là do công tác phê bình, tự phê bình của công chức chưa tốt, có tâm lý không chịu thừa nhận mình làm kém.  Vì vậy, đã dẫn tới tình trạng cuối năm ngồi lại đánh giá phân loại thì bắt đầu xuề xoà, dĩ hoà vi quý, nể nang, làm hạn chế hiệu quả của việc đánh giá, phân loại.

Trước câu hỏi việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức đều được cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng vẫn còn hiện tượng chưa hoàn thành nhiệm vụ được bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương. 

Ông Trương Hải Long cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ như vừa qua là do chưa đảm bảo quy định, chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, chưa có cơ chế kiểm soát đối với người có quyền sử dụng cán bộ, công chức.

Chính vì bất cập này, tới đây Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sớm trình Chính phủ sửa đổi những bất cập này để sát thực tiễn hơn.

Huy Nam

Ý kiến bạn đọc