Thủ tướng xem xét nhiều cơ chế ưu tiên phát triển nhà ở giá rẻ

19:18, 07/12/2016
|

(VnMedia) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội diễn ra trong sáng nay 7/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà giá rẻ vài trăm triệu đồng/căn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nhiều doanh nghiệp làm nhà ở giá rẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nhiều doanh nghiệp làm nhà ở giá rẻ
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm đến phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người có công, người cao tuổi… Hội nghị lần này nhằm đánh giá những kết quả đạt được, mô hình nào làm tốt để nhân rộng, có cơ chế, chính sách hữu hiệu nào để mọi thành phần có thể tham gia làm nhà ở xã hội, một phân khúc rất quan trọng - gồm người nghèo, chế độ chính sách, đặc biệt là công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp…

Thủ tướng cho hay, ngày 6/12, ông đã đi tham quan khu nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có người nghèo, người cao tuổi… sinh sống chiếm tỉ lệ rất cao. Tại đây đã xây dựng được quy chế, thiết chế văn hoá khu dân cư rất tốt, an ninh trật tự, văn hoá xã hội được đảm bảo.

“Báo chí vừa qua có nêu một số nhà đầu tư tung ra quỹ nhà ở xã hội rất lớn tới 300.000 căn, với giá rẻ vài trăm triệu đồng/căn của một số doanh nghiệp (DN) như Mường Thanh… ở Hà Nội. Vậy các địa phương khác có làm được không? Chắc chắn sẽ làm được nếu các địa phương quan tâm, có quyết tâm cao, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách để thu hút DN, tổ chức tham gia vào lĩnh vực này”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng quan điểm không phải là bao cấp nhà ở, bao cấp cho DN làm quỹ nhà này mà dùng cơ chế, chính sách, nguồn lực quỹ đất của địa phương và cân đối lợi ích của DN đã được tạo điều kiện để làm nhà giá rẻ. "Tôi hoan nghênh một số DN làm nhà ở giá rẻ 600-700 triệu đồng/căn nhưng cũng cần xem chất lượng ra sao. Từ Bình Dương, TP HCM, Hà Nội đã làm được nhà giá rẻ, thậm chí có DN còn rẻ hơn cả như Viglacera, cách làm này là rất đúng hướng" - Thủ tướng nói.

Báo cáo về kết quả phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết tính từ năm 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỉ đồng (gồm: 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp) góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động… Hiện nay các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỉ đồng (gồm: 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).

Một số địa phương đã làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Nhiều DN đã tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ; quản lý, vận hành... như Tổng công ty Becamex Bình Dương, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty IDICO, Công ty Samsung Thái nguyên, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Công ty cổ phần thương mại Thủ đô...

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận một số chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu. Việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Cùng với đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, như chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà, dự án vẫn còn kéo dài... Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết mục tiêu tới đây phấn đấu hoàn thành xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội theo dự án để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN. Phấn đấu tăng tỷ trọng nhà ở để cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội dành để cho thuê tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; hình thành một số định chế tài chính, như: Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản... để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, dành để phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở đó, các địa phương phải ban hành chương trình phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng chỉ đạo những việc phải làm ngay, đó là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển nhà ở xã hội, coi đầu tư phát triển nhà ở là đầu tư cho tăng trưởng. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân chứ không phải chỉ riêng Nhà nước; trân trọng và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tập trung giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở bởi hiện có khoảng 1,5 triệu người chưa có nhà ở, nhất là tại các KCN.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó bảo đảm quy trình thủ tục thuận lợi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác các nguồn lực trung và dài hạn từ xã hội, theo hướng giảm dần nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở các KĐT và KCN. Hình thành một KĐT đồng bộ các thiết chế văn hóa, trong đó, nhà ở cho thuê, nhà thương mại, dành một tỷ lệ nhà cần thiết, có thể là 50% cho công nhân mua theo dạng nhà ở xã hội.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung triển khai vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chú ý quy hoạch đất đai dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, sớm phê duyệt quy hoạch, thiết kế nhà ở xã hội, thậm chí nghiên cứu, cho phép xây nhà ở xã hội cao tầng hơn để DN có lợi. Địa phương phải chọn nhà đầu tư có tâm, tầm và năng lực; hỗ trợ hạ tầng cho KĐT đó.

Khánh An

 


Ý kiến bạn đọc