Kích hoạt não trẻ em: Chưa được kiểm chứng và nguy hại cho trẻ

13:42, 02/12/2016
|

(VnMedia) - Nhận xét về phương pháp giáo dục hoàn toàn mới này của các Trung tâm Kích hoạt não bộ trẻ em, các chuyên gia tâm lý và giáo dục đều có một điểm chung, đó là sự quan ngại về một nguy cơ tiềm ẩn của một phương pháp chưa được kiểm chứng và nghiên cứu kỹ lưỡng…

Tiến sĩ Trần Tùng Lâm
Tiến sĩ Trần Tùng Lâm

Đi ngược lại lẽ tự nhiên

Trước những thông tin mà các Trung tâm Kích hoạt não bộ trẻ em đang quảng cáo đó là phương pháp “kích hoạt não giữa” (Mid-brain activation) là có thể giúp cho não trẻ hoạt động nhiều công năng hơn và trẻ sẽ làm được những việc như: Bịt mắt vẫn có thể phân biệt được màu sắc, vẽ tranh; giải được các bài toán vượt cấp, thậm chí có thể trở thành những nhà sáng tạo, nhà khoa học, nhà phát minh... Hẳn là nhiều bậc phụ huynh có tâm lý mong muốn con mình “tài giỏi hơn người” đều cảm thấy hấp dẫn và sẵn sàng chi một số tiền lớn để giúp con theo học.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam (Giảng viên trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) thì trên thế giới không tồn tại phương pháp kích bán cầu cho trẻ và đây là phương pháp chưa được công nhận.

Tra cứu trong các cơ sở dữ liệu học thuật chuyên ngành Y học, Giáo dục học, Tâm lý học, Xã hội học và thậm chí Tạp chí Ngoại tâm lý... đều không có bất cứ một bài báo khoa học nào có liên quan đến kỹ thuật kích hoạt não bộ (mid-brain activation) được đăng tải.

Chưa kể đến việc chưa có bất kỳ một tổ chức khoa học có uy tín nào thừa nhận phương pháp này. Từ đó có thể khẳng định chắc chắn rằng, phương pháp này chưa được thẩm định về chuyên môn ở các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới, chưa có bằng chứng nghiên cứu về tính hiệu quả của nó đến sự thành công hay năng lực vượt trội của những đứa trẻ được luyện tập phương pháp này trong tương lai.

Những điều “phi thường” như nhắm mắt có thể phân biệt màu sắc, tô màu, vẽ tranh hay biến con trẻ trở thành nhà khoa học, nhà phát minh... dường như đi ngược với lẽ tự nhiên. Một con người bình thường khi sinh ra sẽ có đầy đủ các giác quan: nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ.

Chỉ những người không may thì mới khiếm khuyết mất đi một giác quan, tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ghi nhận sự “bù trừ” giữa các giác quan, ví dụ như một người mù thì thường các giác quan khác sẽ phát triển hơn như thể để bù lại sự khiếm khuyết đó, giúp người mù tuy không nhìn thấy nhưng vẫn có thể cảm nhận và hình dung tương đối về thế giới xung quanh...

Các giác quan của một người bình thường có thể thay đổi độ nhạy tùy theo các điều kiện môi trường, đây là cách thức não bộ tự điều chỉnh để con người thích nghi với những hoàn cảnh của cuộc sống tự nhiên. Chúng cũng không cần phải được kích hoạt vì chúng đã tồn tại và được lập trình để tự kích hoạt trong các điều kiện đặc biệt. Và các Trung tâm kể trên đang đang áp dụng một “điều kiện đặc biệt” là bịt mắt để trẻ em làm “người mù” nhằm kích hoạt não bộ.

Mọi đứa trẻ đều có những điểm khác nhau, và khoa học đã chứng minh con người phát triển dựa trên những nền tảng là thể trạng, cuộc sống, điều kiện, môi trường xã hội, giáo dục... tùy theo mỗi người. Vậy nên những chương trình giáo dục tài năng như kể trên lại áp dụng cùng một quy trình cho mọi trẻ với những nền tảng khác nhau dường như là điều phản khoa học.

Tiến sĩ Trần Thành Nam
Tiến sĩ Trần Thành Nam

Loại hình dịch vụ chưa được công nhận

Đồng quan điểm về những ẩn họa khôn lường của việc áp dụng phương pháp kích thích não giữa dành cho trẻ em, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho biết: “Về mặt con người có nhiều khả năng mà chưa thể biết hết được. Một người nào đó có thể có năng lực riêng đặc biệt, nhưng đó là các trường hợp riêng biệt. Liệu có thể dạy cho nhiều người như vậy được không, dạy có đúng khoa học không thì phải có những nhà chuyên môn mới trả lời được”.

Đối với con người, vấn đề thí nghiệm, nghiên cứu cần hết sức cẩn trọng và phải thật chặt chẽ chứ không thể tùy tiện. Phải có các cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép thì mới được làm. Vậy nên trước hết phải tìm hiểu xem các cơ sở đào tạo đó có được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động hay không?

Tiếp đó là phương pháp này đã được các nhà khoa học chuyên môn kiểm định chất lượng cũng như hiệu quả hay chưa mà có thể đưa vào giảng dạy đại trà được? Cần thực chứng từ các bác sĩ để xem xét phương thức này có phù hợp không?

Việc giáo dục trẻ em phát triển các khả năng tư duy cần tuân theo các quy luật khoa học. Trẻ em cũng là con người, được học, được chơi và phát triển bình thường sẽ tốt hơn là cố tình ép các em phải có được khả năng như là một “siêu nhân”. Các bậc phụ huynh thay vì chạy theo trào lưu “biến con em mình thành siêu nhân”, bỏ ra cả chục triệu đồng cho con em mình được kích thích theo những biện pháp chưa được kiểm chứng này thì hơn hết là hãy bỏ công vào việc giáo dục, lắng nghe con trẻ để có cách tiếp cận và chỉ bảo cho hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục & Đào tạo) cũng khẳng định việc kích hoạt não cho trẻ là hết sức nguy hiểm, các trung tâm mở dịch vụ này không được công nhận.

Được biết, trong mỗi khóa học dạy kích hoạt não giữa cho trẻ em, các em sẽ được đội ngũ một số giảng viên đào tạo bằng một số phương pháp đặc biệt. Theo đó, dù bị bịt mắt nhưng các em vẫn có thể nhận biết được màu sắc, hình khối của sự vật bất kỳ để vẽ lại trên giấy hoặc phán đoán các đồ vật xung quanh. Chi phí cho mỗi khóa học kéo dài trong 2 ngày này lên tới gần chục triệu đồng/học sinh.

Hiện tại, vẫn chưa có quy định nào về việc có hay không cho phép áp dụng các phương pháp giáo dục nhằm kích thích não bộ ở trẻ em như kể trên. Bên cạnh đó, phần quảng cáo của các Trung tâm áp dụng phương pháp này chỉ tập trung nêu lên những điều “siêu nhiên” mà con bạn có thể làm được mà chẳng đưa ra được tên của một cơ quan, tổ chức khoa học nào đã kiểm nghiệm và chứng thực cho phương pháp họ đang áp dụng.

Điều đáng nói các cơ sở giáo dục áp dụng phương pháp này được tổ chức theo hình thức nhượng quyền (franchise) từ các trung tâm khác của nước ngoài, nói ngắn gọn là họ thu tiền phí của các phụ huynh rồi trích ra một phần để trả cho trung tâm bên nước ngoài.

Tuy nhiên, những cái tên, “mác” là các trung tâm, tổ chức nước ngoài mà họ đưa ra thì đều là “hữu danh vô thực”. Chỉ cần vào Google, đánh dòng tên của các cái “mác” đó ra thì sẽ tìm ra vô số kết quả khác nhau, nhưng chẳng đưa đến một công ty, một thương hiệu nào cụ thể cả...

Nhóm PV thực hiện


Ý kiến bạn đọc