(VnMedia) - Hà Nội sẽ có khoảng 50 ô tô hút bụi làm sạch không khí; có máy nghiền phế liệu xây dựng thành cát; các xe ra vào công trình phải rửa; nước hồ sẽ được làm sạch bằng công nghệ của Đức với giá cực rẻ… là những biện pháp để cải thiện môi trường Hà Nội.
Môi trường không khí Hà Nội sẽ được cải thiện đáng kể bằng nhiều giải pháp đồng bộ - ảnh minh họa |
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm hôm qua (14/12), Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã cung cấp một số thông tin về kế hoạch “cứu vãn” môi trường Hà Nội khiến người dân “nức lòng". Ông Chung cho biết, ngay từ đầu năm 2016, Thành phố đã nhận thức được vấn đề ô nhiễm của và mới đây, Thành phố đã đưa ra 5 giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước và không khí.
Về môi trường nước, ông Chung cho biết, theo thống kê của Công ty thoát nước Hà Nội, hiện đã xử lý được trên 80 hồ ở cả nội thành và ngoại thành bằng Redoxy-3C của Đức.
“Hiện nay chất này đang được chuyển về chậm nên việc xử lý nước hồ tạm thời dừng lại. Nhưng đến ngày 19/12 tới đây sẽ có một contener về và đảm bảo từ nay đến Tết âm lịch, các hồ trong nội thành và một số hồ ở ngoại thành sẽ được làm sạch. Trong Quý I/2017 sẽ xử lý xong tất cả các hồ trên địa bàn Thành phố, không còn bốc mùi và trong xanh trở lại" - ông Chung thông tin.
Chia sẻ về việc lựa chọn chất Redoxy-3C để làm sạch nước hồ Hà Nội, ông Chung cho biết, các chất này đã được các nhà khoa học Đức nghiên cứu kỹ.
“Ngay từ tháng 12/2015, khi vừa nhậm chức, tôi đã mời các nhà khoa học Đức và đã lấy 126 mẫu nước trên khắp địa bàn Hà Nội gửi sang Đức để phân tích. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học Đức đưa ra một công thức sản xuất ra chất Redoxy-3C đưa về Hà Nội làm thử nghiệm suốt từ tháng 1 đến tháng 6. Hà Nội cũng mời tất cả các kỹ sư, giáo sư, các giáo viên các trường ĐH khoa học tự nhiên của các trường tại Hà Nội, các giáo sư trong lĩnh vực môi trường giám sát chương trình này của Thành phố" - ông Chung cho biết.
Theo Chủ tịch Thành phố, chất này hiện nay được đánh giá là kinh tế nhất, rẻ nhất. “Như Hồ Hoàn Kiếm, 1 gam chất Redoxy-3C xử lý được 15m3 nước. Theo tính toán, nếu xử lý nước Hồ Hoàn Kiếm theo phương án cũ thì mất khoảng 6 tỷ, nhưng theo phương án mới chỉ mất khoảng 500 triệu" - ông Chung cho hay.
Hà Nội không chỉ đang tích cực xử lý môi nước mà còn rất quan tâm đến chất lượng không khí. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, cho đến hôm nay, Hà Nội đã lắp xong 10 trạm quan trắc tự động tại các khu vực “nóng bỏng” nhất và nếu không có gì thay đổi, đến ngày 20/12, Thành phố sẽ công bố công khai cho người dân để tự tra cứu trên mạng biết được khu vực mình ở có mức độ ô nhiễm, chất lượng không khí như thế nào. Tuy nhiên, nếu muốn biết trên toàn địa bàn Thành phố thì tới đây sẽ phải lắp thêm khoảng 100 trạm.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội có nhiều nguyên nhân, nhưng sơ bộ theo đánh giá và kết quả phân tích thì có một số nguyên nhân lớn, thứ nhất là bụi từ các công trình; vận chuyển xử lý rác thải chưa tốt; xả thải từ than tổ ong và các xe máy ô tô quá date; tỷ lệ cây xanh quá thấp; ô nhiễm ảnh hưởng từ vùng khác như việc đốt rơm rạ, chất đốt không phù hợp…
“Nhưng đánh giá chúng ta ô nhiễm hơn Bắc Kinh là không đúng. Hiện nay một số đại sứ quán có lắp trạm quan trắc tại một số điểm nhưng tới đây chúng tôi sẽ công khai tất cả số liệu quan trắc” - ông Chung khẳng định.
Song song với việc này, Thành phố cũng sẽ lắp các trạm quan trắc nước sông, hồ tự động để hàng ngày người dân có thể theo dõi qua mạng Internet, giám sát mức độ ô nhiễm nước sông, hồ đến đâu.
“Chủ trương của Thành phố là sau khi lắp các trạm quan trắc sẽ đưa ra các giải pháp chính xác, trên tinh thần là siết chặt các công trình xây dựng, khi ô tô ra vào phải rửa sạch sẽ" - ông Chung nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Thành phố cho biết đã giao 2 công ty nhập các máy theo công nghệ của Đức để nghiền phế liệu xây dựng thành bột như cát và tận dụng để làm các công trình giao thông.
“Việc này lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu vì thế giới họ đã làm. Các máy này sẽ nghiền gạch bóc từ vỉa hè, hay bê tông, gạch đập từ các nhà cũ… với công suất xử lý khoảng 180 tấn/giờ, có thể nghiền các tấm bê tông kích thước 1m cho đến 1,5m, làm vụn trở thành như cát để tận dụng san nền đường. Trong quá trình làm có phun nước chống bụi để tránh việc phá dỡ các công trình đổ trộm phế thải đi các nơi" - ông Chung cho hay. Đồng thời với các giải pháp trên thì Thành phố sẽ tăng cường đề án vận chuyển, thu gom rác thải.
“Từ 1/1/2017, riêng 4 quận nội thành sẽ có hơn 50 chiếc ô tô hút bụi (hiện nay mới có 10 chiếc). Mỗi chiếc ô tô một ngày hút khoảng 1,5 khối bụi. Hy vọng việc hút bụi thì môi trường sẽ sạch lên" - Chủ tịch Thành phố Hà Nội thông tin.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc