Hà Nội: Công trường ngổn ngang trên các tuyến đường mới

11:53, 20/12/2016
|

(VnMedia)- Với số lượng công trình đồ sộ, chỉ tính riêng với những khu vực bên ngoài vùng trung tâm, Hà Nội đang thực sự như một công trường. 

Thực tế, những bất cập về quy hoạch Hà Nội nếu có và khiến người dân bức xúc đều từ các tuyến vành đai vào trung tâm. Còn tại nội đô, những bất cập về hạ tầng từ tắc đường, ngập úng lại không diễn ra một cách thường xuyên. Câu chuyện tại các vành đai vào trung tâm, từ vành đai 2 (tuyến đường Láng- Trường Chinh...), vành đai 3 (đường Khuất Duy Tiến) và những con đường mới, từ khi được hình thành và đưa vào sử dụng đã mang sứ mệnh làm cải thiện bộ mặt giao thông Hà Nội: Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, con đường "đẹp nhất thủ đô" Nguyễn Chí Thanh mới thực sự là vấn đề "nóng" của Hà Nội.

Vì sao từ mục đích tích cực là mở rộng, giãn nội đô để không gây nên sự quá tải ở nội đô, những nơi được hình thành và quy hoạch để giảm tải cho nội đô cũ như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm lại nhanh chóng bị lấp đầy và trở nên ùn ứ cả về không gian, giao thông...?

Ngổn ngang

Năm 2000, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, con đường Lê Văn Lương kéo dài được Hà Nội khánh thành trước sự vui mừng của bao người. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, mặt cắt 40m, 6 làn xe, vỉa hè rộng 10m, tốc độ xe thiết kế 80km/h. Theo quy hoạch của tuyến đường này, sẽ có xe buýt nhanh, tàu điện ngầm... Nếu thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu, lưu lượng phương tiện như hiện tại sẽ không phải là vấn đề với đường Lê Văn Lương.

Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn thành hạ tầng như thiết kế, hai bên tuyến đường người ta lại thực hiện một phần quy hoạch khác dành cho nó: Xây dựng ồ ạt các công trình trên tuyến.

Dòng người chật vật lưu thông vì những dự án được mọc lên quá nhiều trên tuyến đường Lê Văn Lương.
Dòng người chật vật lưu thông vì những dự án được mọc lên quá nhiều trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương hiện Thành phố đã cấp phép cho 33 dự án chung cư cao tầng.

Cụ thể, dự án nhà ở ban cơ yếu chính phủ, dự án chung cư Tập đoàn Đại Dương (21 tầng), trụ sở văn phòng HUD (32 tầng), dự án nhà ở (HACCI cao 25 tầng), dự án nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng), dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); chung cư cao tầng của Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản HN cao 32 tầng; tòa chung cư của Công ty CP đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng, nhà chung cư của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18, tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng; tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty CP phát triển xây dựng và XNK Sông Hồng cao 16 tầng….

Những tòa nhà san sát nhau trên đường Lê Văn Lương
Những tòa nhà san sát nhau trên đường Lê Văn Lương

Trong số 33 dự án bất động sản này có 15 dự án chưa được triển khai trong đó có 4 tòa nhà tái định cư. Nếu tính sơ bộ, nếu 15 tòa nhà này được xây dựng xong thì sẽ có khoảng 40 nghìn dân chuyển về khu vực này sinh sống.

Vỉa hè 6m của tuyến đường Lê Văn Lương giờ chỉ còn trong... mơ
Vỉa hè 6m của tuyến đường Lê Văn Lương giờ chỉ còn trong... mơ

Tại đoạn đường ngã tư Lê Văn Lương kéo dài nối đường Tố Hữu cũng quá tải không kém. Cụ thể, các điểm giao với đường Khuất Duy Tiến, điểm giao với đường Lê Thế Vinh, điểm giao với đường Trung Văn và điểm giao với đường vào Khu đô thị Mộ Lao (khu vực Dự án Hải Phát Plaza), thường xuyên tái diễn tình trạng tắc đường nghiêm trọng vào các giờ cao điểm.Vấn đề là không chỉ có các công trình trên tuyến này dẫn đến tình trạng giao thông vào trạng thái tệ vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều mà những khu vực liên tuyến xung quanh như đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng hoặc phía bên kia là Hoàng Đạo Thúy các công trình mới vẫn tiếp tục được mọc lên.

Tại con đường đẹp nhất thủ đô Nguyễn Chí Thanh, với chiều dài 1,8 cây số, các lợi thế về cây xanh, mặt nước, không gian… hiện cũng đang có đó đủ loại công trình đồ sộ. Mật độ dân số tăng vọt, giao thông quá tải, đường Nguyễn Chí Thanh cũng rơi vào tình trạng giao thông "kinh hoàng".Theo tìm hiểu, hiện trục đường Tố Hữu đã có một số dự án nhà chung cư đi vào hoạt động là Tòa tháp The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Chung cư C14, Chung cư The Pride và một số tòa chung cư thuộc Khu đô thị Dương Nội. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt các đô thị như Park City, Khu đô thị An Hưng, Khu đô thị Văn Khê và còn rất nhiều dự án chung cư đang triển khai, sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới như Ecolife Capitol, Hà Nội Landmark 51, HPC 105, Hải Phát Plaza, Anland….

Những công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên tuyến đường Lê Văn Lương
Những công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên tuyến đường Lê Văn Lương

Theo quy hoạch Hà Nội trước đây, 9 KCN cũ cùng hàng loạt các KCN mới đã tạo thành một vành đai bủa vây Hà Nội.  Để giải quyết vấn đề này, suốt hơn một thập kỷ qua, Hà Nội đã nỗ lực di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi vùng lõi, nhưng những khó khăn về đất đai, chuyển đổi công nghệ… khiến kế hoạch luôn chậm. Tham vọng chuyển toàn bộ cơ sở công nghiệp ra khỏi Thủ đô cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bằng chứng là, khi lập quận mới Hoàng Mai (gồm một phần huyện Thanh Trì) thì các cụm công nghiệp đó giờ lại nằm gọn trong nội thành (thuộc Q.Hoàng Mai)...

Đường Nguyễn Chí Thanh cũng đang bị những khối nhà bê tông
Đường Nguyễn Chí Thanh cũng đang bị những khối nhà bê tông "chèn lấn"

Tại những khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu như Linh Đàm, khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, khu đô thị Nam Trung Yên... đều đã nhìn thấy sự quá tải về không gian, mặt nước và giao thông.

Lỗi ở... thời gian

Với số lượng công trình đồ sộ, chỉ tính riêng với những khu vực bên ngoài vùng lõi, Hà Nội đang thực sự như một công trường. Tuy nhiên, công trường này rõ ràng được cấp phép xây dựng. Bởi, tất cả các dự án đang được xây dựng hiện nay đều được cấp theo tầm nhìn quy hoạch Hà Nội đến năm 2030.

Ví dụ tại tuyến đường Lê Văn Lương, khi phê duyệt các dự án đều tính toán cụ thể và chuẩn xác các chỉ tiêu giao thông, cây xanh…/1 đầu người. Nếu hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng hoàn chỉnh và khớp nối vào tuyến đường Lê Văn Lương thì sẽ không phải lo việc tắc đường.

Tuy nhiên, có một điều khác biệt căn bản của việc thực hiện đúng theo quy hoạch tầm nhìn ở Hà Nội chính là ở những đô thị có diện tích lớn, quy mô lớn như Hà Nội ở ngay các nước trong khu vực như Singapore người ta chọn cách thực hiện quy hoạch kiểu khác. Đó là chọn hạ tầng đồng bộ rồi mới thực hiện các công trình trên bề mặt. Với những tuyến đường có khối lượng dự án dày đặc như Lê Văn Lương, ngay từ khi thiết kế người ta cũng đã tính đến việc kết nối các tầng đế, tầng hầm liên thông với nhau. Còn ở Việt Nam, tất cả đều dồn lên mặt đất, đều đổ hết ra đường, vì thế mới dẫn đến tình trạng quá tải như hiện tại.

Chính vì vậy, giờ đây, khi vấn đề đô thị làm cho các cư dân đô thị cảm thấy mệt mỏi: ô nhiễm, tắc đường, ngập lụt, một tiêu chí được nhấn mạnh để giảm bớt "vấn đề" trong thực thi quy hoạch là mọi việc đang làm theo quy hoạch tầm nhìn. Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội khi được thông qua vào 5 năm trước, cũng là phê chuẩn cho quy hoạch Hà Nội của 2030 và tầm nhìn đến 2050. Vẫn còn 14 năm nữa mới đến 2030, trong thời gian đó, từng bước của quy hoạch sẽ được thực thi. Nếu vấn đề có phát sinh, cũng chỉ bởi tại thời gian chưa đến mà thôi!

(Còn nữa)

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc